Văn bản chuyển đơn của cơ quan Trung ương của Quốc hội, Chính phủ có phải đối tượng khởi kiện?

(PLO)- Có tòa án thắc mắc là văn bản chuyển đơn của cơ quan Trung ương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc... có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không?

Mới đây, TAND Tối cao đã ban hành Công văn 207/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử vụ án hành chính.

Trong đó, nhiều tòa án địa phương gặp vướng mắc về đối tượng khởi kiện vụ án hành chính và đã được TAND Tối cao giải đáp.

Một văn bản chuyển đơn của Văn phòng Chính phủ gửi TAND Tối cao. Ảnh: YC

Văn bản chuyển đơn của cơ quan Trung ương của Đảng, Quốc hội…có phải là đối tượng khởi kiện?

Cụ thể, có tòa án thắc mắc là văn bản chuyển đơn của cơ quan Trung ương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc... có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không? Hành vi không giải quyết văn bản chuyển đơn trong trường hợp nêu trên có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không?

Trả lời, TAND Tối cao cho rằng văn bản chuyển đơn của cơ quan Trung ương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc... chỉ là công văn hành chính thông thường để thực hiện chức trách, nhiệm vụ công vụ được pháp luật quy định, không có nội dung của quyết định hành chính nên không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Hành vi không giải quyết văn bản chuyển đơn của cơ quan Trung ương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc... là hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan, tổ chức nên không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Kiện hủy giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn được không?

Một vướng mắc được đặt ra là giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn có phải là quyết định hành chính không? Trường hợp thông tin cá nhân trên giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bị sai sót nhưng UBND cấp xã không chỉnh lại thông tin theo yêu cầu của người đề nghị thì người đó có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án hủy giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn không?

Theo TAND Tối cao, khoản 7 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: "Giấy chứng nhận kết hôn là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn; nội dung giấy chứng nhận kết hôn bao gồm các thông tin cơ bản quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này".

Khoản 1 Điều 6 Nghị định 123/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân."

Cạnh đó, khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015 cũng quy định: “Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch."

Như vậy, giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn không phải là quyết định hành chính.

Trường hợp thông tin trên giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch thì phải yêu cầu UBND cấp có thẩm quyền theo Điều 7 Luật Hộ tịch năm 2014 thực hiện việc cải chính hộ tịch. Nếu UBND cấp có thẩm quyền không thực hiện thì có quyền khởi kiện hành vi hành chính không đăng ký thay đổi, không cải chính hộ tịch của UBND.

Cũng liên quan đến đối tượng khởi kiện, có tòa án hỏi là: Thông báo thu hồi đất có phải là quyết định hành chính và là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không?

TAND Tối cao cho rằng theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 67, Điều 69 Luật Đất đai năm 2013; khoản 1, 2 Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai) thì thông báo thu hồi đất chỉ là bước đầu tiên trong trình tự, thủ tục thu hồi đất.

Thông báo thu hồi đất chưa có nội dung làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân nên không phải đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính theo khoản 2 Điều 3 Luật TTHC.

Có hoãn phiên tòa khi luật sư xin hoãn vì chưa đăng ký với tòa?

Một tòa án đặt câu hỏi: Tại phiên tòa phúc thẩm lần 2, luật sư có giấy giới thiệu tham gia bảo vệ cho người khởi kiện vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa với lý do chưa làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, chưa có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính. Trường hợp này HĐXX phúc thẩm có chấp nhận việc xin hoãn phiên tòa của luật sư hay không?

TAND Tối cao trả lời như sau: Theo quy định tại điểm a khoản 2, khoản 5, khoản 6 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính thì luật sư được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trường hợp này, luật sư chưa được tòa án vào số đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó, chưa phát sinh các quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Việc xin hoãn phiên tòa của luật sư không thuộc các trường hợp phải hoãn phiên tòa phúc thẩm theo Điều 232 Luật Tố tụng hành chính. Vì vậy, HĐXX không chấp nhận việc xin hoãn phiên tòa của luật sư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới