Chiều 26-10, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) .
Tại bản dự thảo trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, điều kiện về thu nhập đối với một số đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH) như người có thu nhập thấp nhất tại khu vực đô thị, cán bộ, công chức, viên chức… được quy định là phải thuộc diện không nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Quy định này nhận nhiều ý kiến trái chiều từ người dân, chuyên gia chính sách…
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), có ý kiến cho rằng nếu quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ NƠXH không thuộc diện phải nộp thuế TNCN thì sẽ loại bỏ hàng loạt trường hợp phải đóng thuế nhưng vẫn thuộc diện thu nhập thấp. Do đó, đề nghị bỏ quy định về điều kiện “thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập” hoặc quy định điều kiện này là thuế lũy tiến bậc 2.
Đối với ý kiến này, UBTVQH cho biết Chính phủ đề nghị chỉnh lý nội dung này theo hướng không quy định điều kiện thu nhập để hưởng chính sách NƠXH trong Luật mà giao Chính phủ quy định.
Theo UBTVQH, thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết hiện nay, do nguồn lực của Nhà nước còn nhiều hạn chế nên việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển NƠXH trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Sau khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã giải ngân hết từ tháng 6-2016, đến nay ngân sách nhà nước mới bố trí được khoảng gần 2.163 tỉ đồng, chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016 - 2020 để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua NƠXH… Còn các tổ chức tín dụng khác vẫn chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất để cho vay.
“Như vậy, việc quy định về điều kiện thu nhập để được hưởng chính sách NƠXH là cần thiết nhằm tập trung giải quyết nhà ở cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp. Tuy nhiên, nếu quy định cứng về điều kiện thu nhập ngay trong Luật có thể không bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn thu nhập của người lao động cũng như hài hòa giữa nhu cầu thụ hưởng chính sách với nguồn cung NƠXH”, báo cáo của UBTVQH nêu.
Tại hội trường hôm nay, trình bày báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, vấn đề điều kiện về thu nhập đối với người được mua, thuê mua NƠXH được trao đổi rất kỹ đối với cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý.
"Sau khi tiếp thu ý kiến thì chúng tôi đề nghị là trước mắt cần phải có quy định linh hoạt hơn. Nên chăng Chính phủ quy định cụ thể để phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội thì sẽ phù hợp hơn"- ông Tùng nói và cho biết vấn đề này Chính phủ sẽ quy định chi tiết.
Như vậy, trước mắt để biết đối tượng nào đủ điều kiện được mua, thuê mua NƠXH, sẽ phải đợi thêm quy định của Chính phủ.
Không chỉ các đại biểu Quốc hội có ý kiến về vấn đề điều kiện được mua, thuê mua NƠXH mà người dân cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Trao đổi với PLO, chị Ngọc Bích (quận 12, TP.HCM) cho biết hai vợ chồng chị chỉ phải đóng khoảng 230.000 đồng tiền thuế TNCN mỗi tháng.
“Điều bất hợp lý là giá hàng hóa, chi tiêu cuộc sống tăng đều từ tiền gas, điện, nước, xử lý rác, học phí… nhưng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc nhiều năm qua không được nâng lên. Điều này khiến người dân có thu nhập chỉ đủ sống, thắt lưng buộc bụng mà vẫn phải nộp thuế” - chị Bích bức xúc.
Chị Bích cho biết dù là đối tượng phải đóng thuế TNCN nhưng gia đình chị vẫn không đủ sức mua nổi nhà ở tại TP.HCM vì thực tế vẫn nguồn thu nhập khá thấp. Theo chị Bích, quy định mọi người dân có đóng thuế TNCN không được mua NƠXH là bất hợp lý, cần phải quy định riêng những người có thu nhập phải chịu thuế ở mức cao thì sẽ phù hợp hơn.
Tương tự, anh Duy Minh (TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng cho biết vợ chồng anh muốn đăng ký mua NƠXH mà với quy định này "hì... thua. Anh Minh cho rằng cần phải quy định theo hướng quy định mức thu nhập chịu thuế của cá nhân cao (có con số cụ thể) thì mới không được mua NƠXH.
QUANG HUY