“Có một giọng ca không bao giờ quên...”. Xin mượn một câu và sửa một từ trong ca khúc Bài ca không quên của Phạm Minh Tuấn để nói về giọng hát Cẩm Vân - một giọng hát đã đi vào lòng vài ba thế hệ yêu nhạc từ sau năm 1975. Cẩm Vân rất khó tính trong việc chọn bài hát để thể hiện. Khởi đầu từ ca hát phong trào sau ngày hòa bình lập lại, chị là cánh chim đầu đàn của thế hệ ca sĩ trẻ sau năm 1975.
Từ một viên kim cương chưa được mài dũa
Ngay khi còn sinh hoạt trong phong trào văn nghệ sinh viên-học sinh TP.HCM, Cẩm Vân đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phát hiện và thuyết phục gia đình cho Cẩm Vân tham gia một tiết mục Mừng xuân trên sóng truyền hình bấy giờ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã nói: “Cẩm Vân là một viên ngọc, viên kim cương chưa được mài dũa, đánh bóng. Tôi tin rằng cháu sẽ nổi tiếng”. Niềm tin của tác giả ca khúc Dư âm đã chính xác. Năm 1983, Cẩm Vân đoạt huy chương vàng (HCV) đơn ca tại Liên hoan ca nhạc chuyên nghiệp TP.HCM với ca khúc Bài ca không quên của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Ca khúc đã khẳng định tên tuổi Cẩm Vân. Hai năm sau, Cẩm Vân lại đoạt HCV đơn ca tại Liên hoan ca nhạc chuyên nghiệp TP.HCM với ca khúc Huyền thoại mẹ của Trịnh Công Sơn. Và từ đó nhạc Trịnh đã chắp đôi cánh cho giọng hát Cẩm Vân bay cao. Cẩm Vân có lẽ là ca sĩ hát nhạc Trịnh thành công nhất sau năm 1975. Sau này có thêm Hồng Nhung và Quang Dũng cũng là những ca sĩ thể hiện nhạc Trịnh tương đối tốt nhưng chưa mang đến người nghe tận cùng cảm xúc như giọng hát Cẩm Vân...
Thời gian sau này Cẩm Vân chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong những sự kiện âm nhạc như là khách mời đặc biệt. Còn các sự kiện khác, nhất là các game show ca nhạc không có mặt Cẩm Vân. Một phần vì chị chọn lựa chương trình phù hợp mới tham gia. Ngoài ra, hiện nay Cẩm Vân khá bận rộn lo cho nhà hàng ca nhạc Vân của chị ở 46 Phạm Ngọc Thạch được sáng đèn hằng đêm với Club KC ở trên lầu hai là sân khấu ca nhạc nơi các ca sĩ trẻ đã từng đoạt giải các cuộc thi trình diễn hằng đêm. Còn tầng trệt và lầu một là nhà hàng cà phê Hát với nhau phục vụ khách yêu thích ca hát. Hẹn một cuộc trò chuyện về âm nhạc nhưng Cẩm Vân cứ lần lữa mãi. Cẩm Vân nói lâu lắm Vân không trả lời báo chí, lúc này Cẩm Vân rất bận và cũng ngại, sợ trả lời không khéo dễ bị hiểu lầm. Cẩm Vân vốn rất kỹ tính, từ việc chọn bài hát đến cách giao tiếp rất chỉn chu...
Ca sĩ Cẩm Vân ít xuất hiện trên sân khấu, chỉ những chương trình phù hợp chị mới nhận lời. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Gần 40 năm mang... Nợ
. Pháp Luật TP.HCM:Chị có thể cho độc giả báoPháp Luật TP.HCM biết “duyên nợ” của chị với nghề ca hát?
+ Ca sĩ Cẩm Vân: Đúng thật là phải dùng đến hai chữ “duyên nợ”. Duyên: Tôi là một ca sĩ Sài Gòn, không tốt nghiệp trường lớp nhưng cha mẹ và ơn trên đã ban cho tôi một giọng hát mà nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết: “Cẩm Vân có của trời cho ai nấy hưởng” thì tôi nghĩ đây có thể nói Duyên. Còn Nợ - mà tôi gọi là nghiệp. Từ ngày tôi bắt đầu biết “chạy show” cho đến nay đã gần 40 năm rồi, tôi thật sự chưa bao giờ nghỉ ngơi hưởng thụ cuộc sống như những đồng nghiệp của mình, trừ hai lần quyết định có con, tôi được nghỉ ngơi để đón con chào đời. Mà cái Nợ và Duyên chính là người sát cánh bên tôi: Khắc Triệu. Chúng tôi đã cùng sống với nghề, yêu nghề và hằng đêm vẫn hát chung với nhau. Nợ nhau và nợ nghiệp với nhau thì đúng hơn.
. Nhắc tới Cẩm Vân, người yêu giọng hát chị nhớ ngay đến Bài ca không quên của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn... Nhưng những năm sau này chị lại rất thành công với nhạc Trịnh Công Sơn. Trước chị, khi nhắc đến nhạc Trịnh người ta nghĩ ngay đến Khánh Ly - một giọng hát đầy ma lực đã gắn liền với nhạc Trịnh Công Sơn. Chị có bị “ngợp” trước tên tuổi Khánh Ly và có sợ bị cái bóng Khánh Ly “đè”khi hát nhạc Trịnh không?
+ Tôi yêu quý chị Khánh Ly. Chị là tượng đài lớn của nhạc Trịnh. Tôi đã có nhiều dịp hát chung sân khấu với chị ở Hoa Kỳ và Hà Nội. Tôi không “ngợp” trước tên tuổi hoặc cái bóng khổng lồ của chị “đè” vì dù sao tôi cũng là đàn em, sanh sau đẻ muộn thôi mà! Hơn nữa, người gợi ý cho tôi làm album nhạc Trịnh chính là chị Khánh Ly. Tôi nhớ khoảng năm 2000, chị Khánh Ly gọi điện thoại cho tôi và nói tôi chọn năm bài nào hay nhất gửi qua cho chị để chị làm album nhạc Trịnh của chị và tôi. Vì vậy, tôi mới có CD Huế - Sài Gòn - Hà Nội. Sau đó là album Xin cho tôi, tiếp nữa là Xin mặt trời ngủ yên.
Âm nhạc chống lại sự tàn phá của thời gian
. Chị có bí quyết gì để giữ được phong độ, chống lại sự tàn phá của thời gian?
+ Phong độ trong giọng hát là nhờ văn ôn võ luyện. Ngoài ra, âm nhạc chính là bí quyết chống lại sự tàn phá của thời gian.
. Thời gian gần đây ít thấy chị xuất hiện trong các sự kiện âm nhạc, có phải vì chị muốn nghỉ ngơi hay vì một lý do nào khác?
+ Tôi luôn chọn cho mình chương trình nào phù hợp.
. Chị nghĩ gì về thị trường âm nhạc hiện nay?
+ Tôi thấy hiện nay hình thành hai xu hướng, phân chia vùng miền rất rõ. Nhưng thôi, tôi rất ngại đưa ra nhận xét, dễ bị đụng chạm lắm.
. Vài năm trước tôi có đọc một bài viết của ca sĩ-nhạc sĩ Anh Tú (ký bút danh là Tú Dưa, vì anh này là một thành viên của ban nhạc Quả Dưa Hấu) viết về chuyện phong tặng diva. Tú Dưa viết rằng: “Dùng từ diva ở Việt Nam rất buồn cười, bởi âm nhạc nước ta ở trong ao làng, có tên tuổi nào vươn ra thế giới đâu để được phong tặng diva?”. Anh Tú cho rằng trên thế giới chỉ có vài nữ ca sĩ có tầm ảnh hưởng thế giới như Whitney Houston, Céline Dion, Madonna, Mariah Carey… mới được gọi là diva. Thế nhưng hiện nay người ta gọi “bộ tứ” Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh và Hà Trần là diva, chị nghĩ gì?
+ Ngay cả các danh hiệu chính thức do Nhà nước phong tặng như nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân mà tôi cũng ít khi quan tâm nên xin miễn trả lời câu hỏi tế nhị này.
. Xin tò mò một chút đời riêng: Cặp đôi Cẩm Vân - Khắc Triệu hơn 30 năm qua như hình với bóng cả trong đời thường lẫn trên sân khấu khiến rất nhiều fan ngưỡng mộ. Khắc Triệu là một tay trống cự phách, tài hoa và đào hoa nên có khi nào anh chị “cơm không lành, canh không ngọt?”. Nếu có thì ai là người làm lành trước?
+ Nếu vợ chồng sống với nhau không sóng gió thì không phải vợ chồng. Được một cái là chúng tôi giận nhau không ai chịu làm hòa trước, đến khi quá mệt mỏi rồi thì tự nói chuyện. Coi vậy chứ cũng có khi đến hai tháng không nói chuyện.
. Các con của anh chị có cháu nào theo nghiệp của cha mẹ?
+ Các cháu rất yêu thích và còn có năng khiếu nữa nhưng chúng tôi chưa muốn cho cháu theo cái nghiệp này vì khá vất vả...
. Xin cám ơn Cẩm Vân.
Những giải thưởng quan trọng của Cẩm Vân • Năm 1983: HCV đơn ca Liên hoan ca nhạc chuyên nghiệp TP.HCM với ca khúc Bài ca không quên của Phạm Minh Tuấn. • Năm 1985: HCV đơn ca Liên hoan ca nhạc chuyên nghiệp TP.HCM với ca khúc Huyền thoại mẹ của Trịnh Công Sơn. • Năm 1986: Tham gia cuộc thi đơn ca quốc tế Dresden (Đức) và đoạt giải đặc biệt với ca khúc Vì sao em chết của Thanh Trúc. • Năm 1987: HCV đơn ca Liên hoan ca nhạc chuyên nghiệp toàn quốc - khu vực II dòng nhạc nhẹ cùng cố ca sĩ Ngọc Anh. • Năm 1988: HCV đơn ca Ca nhạc chuyên nghiệp toàn quốc - dòng nhạc nhẹ với ca khúc Ngôi sao cô đơn của Thanh Tùng. • Năm 1989: HCV Liên hoan ca nhạc nhẹ tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên) với ca khúc Ngôi sao cô đơn của Thanh Tùng. • Năm 1994, 1996, 1997: Giải Mai Vàng của báo Người Lao Động. • Năm 1997-2007: Liên tiếp lọt vào Top ten Làn sóng xanh... |