Ông Sáu xe ôm chữa bệnh cho dân nghèo

Mỗi tuần vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu, Phòng khám từ thiện y học cổ truyền Long Hoa, quận 7 luôn đông người đến khám, chữa bệnh. Trong số đó có rất nhiều người đăng ký để được thầy Sáu châm cứu mặc dù phải chờ đợi lâu.

Học nghề y ở tuổi 50

“Thầy Sáu mát tay lắm, châm cứu cho tôi nay được gần một năm rồi. Bệnh thì khá hơn mà tôi vẫn chưa có gì để hậu tạ cho thầy” - ông Phan Văn Lạc, 80 tuổi, ngụ phường Phú Mỹ, quận 7 bị thoái hóa đốt sống cổ cho biết. Thầy Sáu tên thật là Nguyễn Văn Sáu, năm nay đã 68 tuổi, nhà ở tận xã Hưng Long, huyện Bình Chánh nhưng luôn miệt mài vượt gần 30 cây số để đến phòng khám đã được 10 năm nay.

Thù lao mỗi tháng cho người thầy thuốc già này chỉ hơn 400.000 đồng tiền phụ cấp xăng xe. Con ông Sáu đã có việc làm ổn định nhiều lần khuyên cha ở nhà tịnh dưỡng cho khỏe, ông liền gạt đi: “Cha phải thực hiện tâm nguyện của ông nội để lại!”. Cha ông Sáu cũng là một lương y từng mở cơ sở khám, chữa bệnh, châm cứu miễn phí cho bà con nghèo ở Cần Giuộc, Long An. Ông Sáu từng là một chân phụ việc đắc lực cho cha nên cũng có chút ít kiến thức y học. Cha ông nhiều lần căn dặn: “Nếu con theo nghề của cha, con phải ráng làm từ thiện để cứu những người khó khăn”. Nhưng cuộc sống cơm áo gạo tiền đưa đẩy, ông Sáu đã không theo nghiệp của cha lúc còn trẻ. Trong quãng đời nhọc nhằn mưu sinh, chưa giây phút nào ông Sáu từ bỏ tâm nguyện của cha và cũng là của chính ông.

Ngoài thời gian chạy xe ôm, buôn bán trái cây, mua bán ve chai, ông Sáu đăng ký nhiều khóa học ở Viện Y dược học dân tộc khi đã ngoài 50 tuổi. Hằng đêm ông chong đèn học khi đã quá 10 giờ khuya. Sau ba năm, ông cũng lấy được chứng chỉ trung cấp lương y đa khoa.

Sau đó, ông đăng ký làm việc ở Phòng khám từ thiện Cô Năm, huyện Nhà Bè. Khi Phòng khám Cô Năm giải thể, ông tiếp tục đăng ký làm ở Phòng khám từ thiện Long Hoa. Năm 2006, ông đăng ký học tiếp khóa bồi dưỡng lương y do Trường Trung học Y tế Đồng Nai tổ chức. Sáng đi chiều về trên quãng đường hơn 50 cây số trong hơn một năm rưỡi không làm ông Sáu nản lòng. “Học để biết tất cả huyệt cũng đã mất hơn một năm mà còn quên tới quên lui. Nhưng hành nghề y là đụng đến tính mạng con người nên không thể coi thường được. Nếu có tâm mà không có kỹ năng thì đành bó tay thôi!” - ông tâm sự.

Ông Sáu đang châm cứu cho cụ bà Trương Thị Ảnh. Ảnh: H.LAN

May mà có thầy Sáu!

Ngoài thời gian làm việc ở Long Hoa, ông Sáu còn trực tiếp đến nhà người bệnh nặng, không đi lại được để châm cứu, bất kể đó là ngày lễ hay mưa to gió lớn, đêm hôm khuya khoắt. Ngày 2-9, vừa gặp ông, bà Trương Thị Ảnh (ở chân cầu Phước Long, quận 7, bị thoát vị đĩa đệm, lao xương dẫn đến mù lòa) ngạc nhiên nói: “Tôi tưởng lễ thầy phải nghỉ chứ. Ai ngờ thầy cũng tới”. Ông Sáu từ tốn nói: “Tôi nghỉ thì thương mấy người bệnh nặng, ăn nằm tại chỗ. Bệnh của bà mà được châm cứu thường xuyên sẽ nhanh khỏi lắm!”. Con gái bà Ảnh cho biết: “Gia đình đưa bà đi bệnh viện tới lui giờ đã cạn tiền rồi. May nhờ có thầy Sáu chịu khó đến tận nhà châm cứu, không đặt vấn đề tiền bạc nên chúng tôi cũng yên tâm”. Còn đối với ông Sáu, thù lao to lớn nhất dành cho ông không phải những bằng khen của các ban ngành đã trao tặng mà chính là sự tiến triển của người bệnh.

Buổi trưa, ông ghé lại quán cơm bình dân ăn vội đĩa cơm rồi rong ruổi đi tiếp, mặc trời nắng chang chang. Động lực mỗi ngày để ông bền bỉ thực hiện di nguyện của người cha đã khuất là chứng kiến những bệnh nhân nghèo của mình có sức khỏe tốt dần lên. Ông Sáu kể: “Bữa trước có hai vợ chồng cùng là công nhân khu chế xuất, trên đường đi làm về thì gặp tai nạn, chồng chết còn vợ đang mang thai may mắn sống sót. Nhưng khi đứa nhỏ này ra đời thì cô vợ bị tai biến luôn. Cô vợ ở với bà mẹ chồng già và hai đứa em chồng bị thiểu năng, nhìn mà đứt ruột, không có điều kiện để đưa đi bệnh viện chữa nên nhờ tôi tới nhà. Châm cứu được hai tháng thì cô đi đứng được làm tôi mừng quá chứ không thì tội nghiệp cho đứa nhỏ”.

HOÀNG LAN

Nhiều người hoàn cảnh khó khăn ngại mình đường sá xa xôi đến châm cứu mà không có tiền trả nên hẹn khi nào có tiền thì tiếp tục chữa mà thấy ứa nước mắt. Đối với những trường hợp này, tôi phải nói khéo là đợi khi nào họ hết bệnh thì tôi mới lấy tiền, họ mới yên tâm chữa. Khi họ đã khá hẳn lên, có thể tự tập vật lý trị liệu được thì tôi không tới nữa và giấu luôn địa chỉ để họ đỡ phải lăn tăn. Không ít người nghèo để mặc bụng đói mà châm cứu là rất nguy hiểm nên phải hỏi han cặn kẽ, mua đồ cho họ ăn trước khi châm cứu. Tôi từng gặp tai nạn khi châm cứu cho một cô công nhân thì cô này lăn ra ngất xỉu. Khi tỉnh lại, cô mới thú thật là chưa ăn sáng vì sợ trễ giờ vô làm theo ca, mất một ngày công. Người nghèo tội lắm!

Lương y NGUYỄN VĂN SÁU

Ông Sáu là lương y gắn bó lâu nhất với Phòng khám từ thiện Long Hoa. Trong quá trình làm việc, ông luôn tận tâm, trách nhiệm với công việc. Kể cả lúc mệt mỏi, đau nhức chân tay ông Sáu vẫn có mặt để chữa bệnh cho bà con đều đặn. Mỗi khi Hội Đông y tổ chức khám bệnh từ thiện ở những nơi vùng sâu, vùng xa, ông Sáu đều nhiệt tình tham gia mặc dù phương tiện đi lại chỉ là xe máy.

Ông VĂN NGỌC THẠCH, Chủ tịch Hội Đông y huyện Nhà Bè

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm