TV xao lãng chức năng giáo dục giới trẻ

Hiện tại, khán giả bật tivi là thấy nhan nhản các chương trình truyền hình thực tế, gameshow nhằm phục vụ nhu cầu quảng cáo, lôi kéo người xem nhắn tin bình chọn. Dường như các nhà đài đang bỏ quên chức năng thực hiện những chương trình mang tính giáo dục dành cho thanh thiếu niên?

Mới đây, tại Liên hoan Truyền hình thanh thiếu niên Quốc tế ở Munich (Đức), VTV đã ký hợp tác với tám nước trong khu vực để sản xuất, trao đổi chương trình I got it dành cho thiếu nhi. Thông qua chương trình này, các em nhỏ được hứa hẹn xem những tập phim có nội dung hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi.

Nặng giáo dục sẽ nhẹ… quảng cáo

Một nghiên cứu được công bố tại sự kiện nêu trên cho thấy những khán giả nhí học được gì trước màn ảnh nhỏ, điều đó còn tùy thuộc vào việc nhà đài cung cấp những “món” gì thường xuyên. Trẻ em ở Đức học được kiến thức, còn ở Mỹ chủ yếu học được cách ứng xử qua truyền hình. Còn tại Việt Nam thì sao?

Đến nay, những chương trình dành cho trẻ em trên các kênh của HTV, VTV gần như chỉ là sản phẩm phụ so với chương trình dành cho người lớn. Điều này biểu hiện qua việc chương trình thiếu nhi chỉ được phát sóng trong những giờ bên lề (vì giờ vàng đương nhiên dành cho gameshow của người lớn) hoặc trong thời điểm phần lớn học sinh đang còn ở trường học. Nhìn qua chương trình dành cho trẻ em trên HTV7 và HTV9 trong tháng 6-2012, chúng ta thấy quanh đi quẩn lại chỉ là kịch rối, ca nhạc, Em yêu khoa học... Chương trình ca nhạc thiếu nhi trên màn ảnh nhỏ thường có ngoại cảnh nghèo nàn, hát đi hát lại những ca khúc cũ.

TV xao lãng chức năng giáo dục giới trẻ ảnh 1

Mở truyền hình thời nay, nếu không phải gameshow thì thi ca hát. Ảnh: LT

Và giữa lúc người lớn bội thực về đủ loại gameshow, chương trình truyền hình thực tế được mua bản quyền từ nước ngoài và gây những scandal ồn ào, khán giả nhí đành tạm bằng lòng với lượng gameshow đếm trên đầu ngón tay. Ngoài Chuyện nhỏ đã có phần cũ kỹ trên kênh HTV7, gần đây mới có thêm Ai thông minh hơn học sinh lớp 5?, Trẻ em luôn đúng (VTV3). Tuy mang tiếng là sản xuất cho thiếu nhi nhưng các gameshow trẻ em lại nhắm đến… bố mẹ của các bé. Để thu hút đông người xem và có quảng cáo, tài trợ, BTC các chương trình này phải mời gọi những người nổi tiếng tham gia, còn các bé “xuất hiện cho có”.

Không thể phát triển kỹ năng sống nếu chỉ xem tivi

Theo đạo diễn Hoàng Duẩn - người chuyên thực hiện các chương trình văn nghệ thiếu nhi, nhìn chung nhiều kịch bản thiếu nhi trên màn ảnh nhỏ còn giáo điều, nhân vật con nít bị áp đặt phát ngôn của người lớn, thiết kế sân khấu đơn điệu nên không thể thu hút các em so với các kênh thiếu nhi “ngoại”: Disney, Cartoon Network... Thực tế phát sóng trên các kênh chuyên dành cho thiếu nhi trong nước phần lớn thời lượng dành cho các chương trình, phim nhập ngoại vì yếu tố giải trí, giáo dục cao hơn hẳn các chương trình mà nhà đài tự sản xuất.

Mặt khác, tư duy làm truyền hình cho thiếu nhi tại Việt Nam vẫn còn bị bó buộc trong những chương trình giải trí mà ít quan tâm đến những format giúp đối tượng này hướng thiện, phát triển nhân cách, đồng thời rèn luyện kỹ năng sống...

Thời gian gần đây, sự bùng phát của những kênh truyền hình dành cho giới trẻ được "tư nhân hóa" bởi các doanh nghiệp, dẫn đến việc các chương trình trên màn ảnh nhỏ chỉ là cuộc đua xoay quanh các thể loại phim truyện, ca nhạc, gameshow, shopping... Trên sóng truyền hình, các giá trị sống dành cho thanh thiếu niên, giới trẻ bị đẩy xuống hàng thứ yếu một khi người nổi tiếng, sự giàu có, sành điệu “lên ngôi”. Và tất nhiên, những bậc cha mẹ có trách nhiệm sẽ phải lo ngay ngáy mỗi khi đứa con mình ngồi trước màn ảnh nhỏ vì không biết chúng sẽ bị “nhiễm” những gì...

BTV DIỄM QUỲNH, Phó Trưởng ban Thanh thiếu niên Đài Truyền hình VN, phụ trách kênh VTV6:

Phải tạo được nhịp cầu giao lưu văn hóa

Để làm được điều này, nhà đài cần chú trọng tính tương tác, tạo điều kiện cho các bạn trẻ thoải mái bày tỏ ý kiến, thể hiện cá tính trên màn ảnh nhỏ. Khán giả được định hướng qua những talkshow, được giải trí với những bộ phim chọn lọc và có tính giáo dục, được tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Nhiều gương mặt trẻ có những việc làm ý nghĩa trong xã hội được trân trọng giới thiệu để tạo sức lan tỏa trong giới trẻ. Hoạt động của các kênh dành cho thanh thiếu niên không chỉ giới hạn trên sóng truyền hình mà còn kết nối chặt chẽ với mạng Internet (bao gồm các mạng xã hội, các trang tin và website khác…) để thực hiện những sự kiện, chương trình giao lưu, tư vấn cho thanh thiếu niên.

NGÔ BEN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm