Theo đó, Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là hơn 6.955 tỉ đồng so với mức đầu tư hơn 5.329 tỉ đồng như dự kiến ban đầu, tăng hơn 1.600 tỉ đồng.
Cụ thể, sau khi cập nhật các thông tin liên quan, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) phát sinh từ hơn 624 tỉ đồng lên hơn 2.250 tỉ đồng. Trong đó, chi phí GPMB trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng từ gần 476 tỉ đồng lên hơn 651 tỉ đồng. Chi phí GPMB địa bàn TP.HCM tăng từ gần 149 tỉ đồng lên gần 1.600 tỉ đồng.
Trên cơ sở mức đầu tư được điều chỉnh, cơ cấu nguồn vốn dự án cũng được thay đổi. Trong đó, vốn vay ODA từ Quỹ EDCF của chính phủ Hàn Quốc là 190,77 triệu USD. Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 2.779 tỉ đồng (trong đó, ngân sách trung ương hơn 529 tỉ đồng; ngân sách địa phương hơn 2.250 tỉ đồng để thực hiện công tác GPMB).
Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án thực hiện tại địa phương, lấy ý kiến thống nhất của Bộ GTVT và thẩm định, phê duyệt theo quy định. Đồng thời tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Vành đai 3 đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương) đang được khai thác, vận hành. Ảnh: Đ.TRANG |
Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận căn cứ quyết định điều chỉnh dự án đầu tư để triển khai các bước tiếp theo; chịu trách nhiệm hoàn thành dự án đúng thời hạn, tránh làm phát sinh, kéo dài.
Dự án vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có chiều dài khoảng 8,75 km, trong đó 6,3 km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và 2,45 km đi qua địa bàn TP.HCM.
Điểm đầu của dự án giao với đường tỉnh 25B (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai); điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM). Giai đoạn 1 của dự án được thiết kế với quy mô sáu làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.