Ba nhà báo thiệt mạng (phóng viên của đài phát thanh RFI - Pháp Johanne Sutton, đài phát thanh RTL - Luxembourg Pierre Billaud và tạp chí Stern của Đức Volker Handloik) cùng một nhà báo Mỹ bị thương hôm 11-11-2011 là thiệt hại lớn đầu tiên cho giới báo chí hoạt động trong chiến khu của Liên minh phương Bắc. Tôi đã may mắn thoát nạn nhờ một lý do hết sức bất ngờ: không có tiền.
Các nhà báo quốc tế trên đỉnh Dashti Kala
Số là trong cuộc họp báo của Ngoại trưởng Liên minh, BS Abdulla Abdullo, ngày 6-11 (mà tôi không kịp tham dự vì mãi buổi tối cùng ngày mới tới chiến khu), các nhà báo quốc tế cư ngụ trong Bộ Ngoại giao đã đặt câu hỏi: Tại sao tuần nào ông cũng thông báo Liên minh phương Bắc chiếm được thị trấn nọ, thành phố kia mà không để cho chúng tôi trực tiếp đến quan sát những thắng lợi đó?
BS Abdullo đã trả lời: Các anh sẽ được mục kích những thắng lợi có thật ấy. Hôm sau, nhân viên an ninh của Liên minh phương Bắc đi rỉ tai từng nhà báo nước ngoài cư ngụ trong trụ sở Bộ Ngoại giao rằng họ đang tổ chức một chuyến công du thị sát các thành thị vừa mới chiếm được từ tay Taliban ở ngoại ô phía Bắc thủ đô Kabul.
Họ được phép cho sáu nhà báo đi cùng. Giá phát ra là 2.000 USD/người. Tiền bạc của tôi không được dư dả lắm nên thử trả giá 1.000 USD. Thấy họ có vẻ ngần ngừ, tôi yên tâm rằng sau bữa trưa cứ việc nâng giá lên 1.100-1.200 USD là có thể đi được. Không ngờ sau bữa trưa thì hết chỗ. Tôi đành chặc lưỡi, chờ một dịp khác được tới Kabul với giá “hữu nghị” hơn.
Nào ngờ chiều 11-11 thì có tin báo về Bộ Ngoại giao Afghanistan rằng đoàn thị sát nói trên rơi vào ổ phục kích của Taliban. Một nữ phóng viên Pháp tử thương và một nhà báo Mỹ bị thương vào chân. Muộn hơn, có tin bổ sung: Thêm một nhà báo Pháp (sau đính chính là nhà báo Luxembourg) và một phóng viên tạp chí Đức Stern thiệt mạng.
Trụ sở Bộ Ngoại giao Cuta Liên minh phương Bắc tại Khoja Bakhauddin
Thật đáng sợ: Phóng viên tờ Stern là một trong số ba nhà báo của tạp chí này đi cùng tôi từ Moskva tới Dushanbe và sau đó là Afghanistan, còn nữ phóng viên Pháp Sutton thì vừa ngồi ăn cùng bàn với tôi tối hôm trước. Trước khi đi Afghanistan, cô đã bị thương nhẹ vì va phải cạnh tủ đựng tài liệu. Muộn hơn chút nữa thì một phóng viên Úc (mà tôi không biết họ tên) đi cùng đoàn thị sát trở về Bộ Ngoại giao. Té ra đoàn chẳng đi “ngoại ô Kabul” gì cả mà chỉ quanh quẩn trong khu vực gần Khojabakhauddin, thủ đô kháng chiến của Liên minh phương Bắc mà thôi.
Bốn phóng viên bị nạn đã ngồi nhờ bên sườn xe tăng của Liên minh phương Bắc và trúng đạn. Nhà báo Úc và một nhà báo Mỹ khác đi bộ theo nên không việc gì. Các nhân viên an ninh trong đoàn thị sát ngồi trong xe tăng, kịp núp vào trong nên cũng không việc gì nốt.
Những túp lều tị nạn.
Vị đắng của những nụ cười không bao giờ tắt
Tôi biết rất ít về họ - bảy nhà báo đã bỏ mình trên đất nước Afghanistan xa lạ. Trong suốt thời gian ở chiến khu của Liên minh phương Bắc, sáng nào chúng tôi cũng trông thấy nhau, thậm chí còn giành chỗ nhau trước trụ sở Bộ Ngoại giao để xin giấy giới thiệu. Vậy mà giờ đây, bảy người trong số họ đã không còn nữa. Chỉ còn lại bảy nụ cười không bao giờ tắt trên những tấm ảnh lạnh lẽo mà họ để lại trước khi vĩnh viễn đi xa. Nhìn những tấm ảnh đó, miệng tôi đắng ngắt.
Tổ mối khổng lồ mang tên Khoja Bakhauddin - thủ đô kháng chiến của Liên minh phương Bắc.
Cũng như tôi, họ là những nhà báo rất bình thường như muôn vàn nhà báo khác. Họ đến Afghanistan theo sự phân công công tác của cơ quan. Họ đi lại trong lãnh thổ của Liên minh phương Bắc theo giấy giới thiệu hợp pháp, ít nhất cũng hợp pháp trong khu vực đó. Họ chỉ tác nghiệp bình thường, không hề chơi ngông, chơi trội, không hề mạo hiểm săn tin lẻ. Vậy mà...
Tôi vẫn nhớ Johanne Sutton, nữ phóng viên đài phát thanh của Pháp. Cô luôn phải rất cố gắng để tạo cho khuôn mặt một cái vẻ quan trọng, nhưng mỗi khi cười, khuôn mặt ấy thật trẻ trung và cố rụt vào giữa hai bờ vai giật lên từng đợt.
Tôi nhớ Volker Handloik, phóng viên của tạp chí Stern của Đức. Khuôn mặt anh lúc nào cũng lạnh băng. Chỉ một lần duy nhất anh phải bật cười là ở trạm hải quan sân bay Dushanbe, khi viên hải quan xấu hổ đánh bài chuồn, sai cậu em mang con dấu ra đóng hộ.
Binh lính Liên minh phương Bắc và các nhà báo chờ cơm trưa.
Tôi nhớ Maria Grazia Cutuli, nữ phóng viên của tờ Corriere della Sera của Ý. Trong sân Bộ Ngoại giao của Liên minh phương Bắc, cô nổi lên như một đóa hoa đồng nội. Khi nghe tin cô bị sát hại, tôi giật mình tự hỏi: Chẳng lẽ có thể kê súng găm một viên đạn vào đầu một cô gái xinh đẹp đến như vậy được sao?
Lính Liên minh phương Bắc cố đi đều bước để tỏ ra mình chính quy.
Nhưng những viên đạn vẫn cứ găm vào họ, cướp đi cuộc sống của những nhà báo đang còn rất trẻ. Chúng tôi, những phóng viên chiến trường, phải chịu nguy hiểm không khác gì những người lính tiên phong, nhưng lại không hề có một thứ vũ khí nào để tự vệ. Nghề báo là một nghề nguy hiểm như vậy đó.
Chiếc xe UAZ, lái xe (trái) và phiên dịch của tôi ở Afghanistan.
Tôi không muốn nói với bảy người bạn của tôi những lời vĩnh biệt. Bởi vì những nụ cười của họ sẽ còn mãi với thời gian. Những nụ cười rất đắng.