Ngày 7-8, phần tranh luận tại phiên xử vụ buôn lậu gỗ có liên quan đến ba cán bộ Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị và TP Đà Nẵng tại TAND TP Đà Nẵng diễn ra căng thẳng với nhiều tình tiết hấp dẫn. Đây là phiên xử sơ thẩm lần thứ ba, hai lần trước HĐXX đều tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Bị cáo: Tòa không nên trả hồ sơ nữa!
Cáo trạng truy tố Trương Huy Liệu và vợ là Trần Thị Dung (giám đốc và phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng) tội buôn lậu. Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành (Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt, thuộc Cục Hải quan Quảng Trị) và Đỗ Danh Thắng (nguyên chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng, thuộc Cục Hải quan TP Đà Nẵng) bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể năm 2011, Công ty Ngọc Hưng chở 13 xe gỗ từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị. Sau đó công ty cho gỗ vào 22 container đưa đến cảng Đà Nẵng xếp xuống tàu chờ thủ tục xuất sang Hong Kong. Số gỗ này bị bắt giữ vì ông Liệu chỉ đạo nhân viên công ty làm giả hồ sơ nhập khẩu lô gỗ trị giá gần 64 tỉ đồng với sự giúp sức của các bị cáo là cán bộ hải quan...
Tại tòa, bị cáo Liệu nói: “Tôi đề nghị lần xét xử này HĐXX tuyên án kết luận xem tôi có vô tội hay không, đừng trả hồ sơ nữa vì vụ án đã kéo dài gây thiệt hại, đau khổ cho bị cáo và gia đình…”.
Phần tranh luận, đại diện VKSND TP Đà Nẵng cho rằng các bị cáo bị truy tố đúng, không oan và đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Liệu từ 12 đến 14 năm tù, bị cáo Dung từ bảy đến tám năm tù. Ba bị cáo nguyên là cán bộ hải quan cùng bị VKS đề nghị mức án từ hai đến ba năm tù.
Tranh luận, các luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo Liệu và Dung cho rằng việc cơ quan tố tụng giao cho Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật giám định lô gỗ tang vật là vi phạm nghiêm trọng tố tụng vì cơ quan này không đủ điều kiện. Do không đủ chuyên môn nên cơ quan này đã cho ra hai kết quả giám định khác nhau. LS yêu cầu phải trưng cầu giám định lại ở tổ chức giám định khác có chuyên môn.
Nhiều người theo dõi phiên xử, trong đó có trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Ảnh: LÊ PHI
Vật chứng đã bị bán?
Bị cáo Liệu kêu oan cho rằng cơ quan chống buôn lậu đã báo cáo không đúng sự thật nên vụ việc bị sai lệch và kéo dài sáu năm qua. Bị cáo nói: “Vợ chồng bị cáo chưa bao giờ thừa nhận chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ hay buôn lậu. Số hàng trên không trái phép mà có nguồn gốc rõ ràng, đã khai báo hải quan và nộp thuế tại hải quan cửa khẩu Lao Bảo”. Theo bị cáo Liệu, hiện vật chứng của vụ án là toàn bộ số gỗ đã bị bán mất, đây là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
LS của bị cáo Liệu bổ sung: “Vật chứng đang trong quá trình xét xử thì chỉ HĐXX mới có quyền quyết định. Do vậy, CQĐT Bộ Công an và VKSND Tối cao đã bán đấu giá lô gỗ với giá trên 63 tỉ đồng là sai luật”. Theo LS, trị giá lô gỗ phải là 300 tỉ đồng như lời trình bày của bị cáo Liệu. LS yêu cầu HĐXX làm rõ việc cơ quan tố tụng đã chi một số khoản tiền trong số hơn 63 tỉ đồng bán đấu giá gỗ…
LS bào chữa cho vợ chồng bị cáo Liệu còn cho rằng cái chết của người liên quan Trần Đình Quang trong quá trình điều tra là bí ẩn. Vì ban đầu ông Quang khai ông Liệu chỉ đạo làm giả hồ sơ để nhập khẩu gỗ. Hôm sau ông Quang có thư kêu oan gửi bộ trưởng Bộ Công an cho rằng bị cơ quan điều tra ép cung. Sau nhiều lần CQĐT mời làm việc tiếp theo thì ông Quang đã tự vẫn…
Các LS bào chữa cho vợ chồng bị cáo Liệu cho rằng vụ án có nhiều dấu hiệu truy tố oan các bị cáo, ngay từ đầu cơ quan điều tra đã có nhiều vi phạm tố tụng. Từ đó các LS đề nghị tòa tuyên bố vợ chồng bị cáo Liệu không phạm tội buôn lậu, ba công chức hải quan không phạm tội thiếu trách nhiệm…
Hôm nay phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
Đại biểu Quốc hội giám sát phiên xử Phiên tòa này khá đặc biệt vì có sự tham dự giám sát của ông Hoàng Đức Thắng (Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị). Ngày 7-8, trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM tại tòa, ông Thắng cho biết Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị có mặt tại phiên tòa vì hai lý do. Thứ nhất là vai trò, vị trí chức năng của đại biểu dân cử đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. ĐBQH còn có chức năng giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thứ hai là Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhận được rất nhiều đơn của Công ty Ngọc Hưng và người có liên quan gửi đến đề nghị làm sáng tỏ vụ án trên cơ sở đúng pháp luật. Trước khi mở phiên tòa thì TAND TP Đà Nẵng cũng có thư mời ĐBQH tỉnh tham dự, theo dõi quá trình thực thi pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân. Ông Thắng cũng đánh giá cao việc TAND TP Đà Nẵng đã tạo được một không khí dân chủ, công khai, minh bạch để các chủ thể tham gia tố tụng và người liên quan trình bày, nêu ý kiến của mình. “Tôi cho rằng đây là phiên tòa dân chủ, công khai, còn kết quả thì chúng ta cần phải chờ đợi” - ông Thắng nói. |