Chia sẻ từ các chuyên gia, nhà quản lý và ngân hàng tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2023, ngày 18-5, cho thấy cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kết nối với hệ thống ngân hàng sẽ mở ra cơ hội tiếp cận vốn vay thuận lợi, nhanh chóng hơn cho người dân và an toàn hơn cho nhà băng.
Tự động hóa thủ tục xác thực cá nhân trong hoạt động ngân hàng
Chẳng hạn, với các khoản vay nhỏ, không có tài sản bảo đảm, nếu cho vay theo cách truyền thống thì cả ngân hàng và khách hàng phải vượt qua nhiều thủ tục về thu thập hồ sơ giấy tờ, chứng minh đủ điều kiện vay vốn.
Cả núi thủ tục, điều kiện như vậy, nên thay vì tiếp cận ngân hàng, người dân lại tìm đến tín dụng đen hoặc các nguồn tín dụng phi chính thống khác, tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho xã hội.
Còn nay, với núi thông tin từ cơ sở dữ liệu dân cư, mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Cơ sở dữ liệu dân cư vốn được ngành công an dày công thu thập, làm sạch và liên tục cập nhật giúp ngân hàng đỡ công sức định danh, xác thực khách hàng.
Các dữ liệu này được số hóa cũng giúp các ngân hàng mạnh dạn đầu tư chuyển đổi số, để có thể tự động hóa từ khâu thẩm định, phê duyệt khi cho vay đến theo dõi, thu hồi nợ.
Với quá trình chuyển đổi số dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư ấy, thậm chí, khách vay không có tài sản đảm bảo có thể thực hiện được qua online, thay vì phải trực tiếp đến ngân hàng.
Chuyển đổi số, tự động hóa như vậy giúp giảm chi phí hoạt động ngân hàng, và qua đó có thể kéo giảm lãi suất cho vay.
VNeiD phát huy tác dụng
Hướng tới cho vay online như vậy, một số ngân hàng đang thí điểm kết nối và nghiên cứu việc ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, định danh khách hàng và chấm điểm tín dụng công dân. Việc này có sự phối hợp của Bộ Công an mà Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội C06 là đầu mối.
Ông Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng C06 nhấn mạnh dữ liệu dân cư, căn cước công dân là dữ liệu gốc để khẳng định đúng con người, với một định danh duy nhất. Đây là thông tin đầu vào quan trọng cho các nhà băng khi tiếp cận khách hàng.
Để khai thác tiện ích này, trong cơ chế hợp tác hiện tại giữa Ngân hàng Nhà nước với Bộ Công an, cả khách hàng và ngân hàng phải chấp thuận sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID. Trên đó, khách hàng phải chấp thuận chia sẻ thông tin cá nhân của mình trong cơ sở dữ liệu dân cư cho ngân hàng.
Đây là các thông tin cơ bản, như họ tên, ngày sinh, địa chỉ thường trú… Đối chiếu với hình ảnh bản thân tại thời điểm làm thủ tục ngân hàng với hình ảnh lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là đôi bên hoàn tất thủ tục xác thực cá nhân.
Chấm điểm tín dụng công dân
Ông Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng C06 cho biết đơn vị này đang phối hợp với ngành ngân hàng nghiên cứu, triển khai giải pháp chấm điểm tín dụng cho công dân. Mô hình này do Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR) thuộc C06 xây dựng trên cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và kết nối với các dữ liệu chuyên ngành khác.
Là một ngân hàng tham gia thí điểm ứng dụng này, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết điểm tín dụng công dân là một yếu tố tham khảo khi ngân hàng xem xét quyết định cho vay.
Đối với khách hàng, điểm tín dụng sẽ thay thế một số tiêu chí thẩm định truyền thống khó chứng minh trên kênh số như năng lực pháp lý, uy tín cá nhân…
Ở phía ngân hàng, điểm tín dụng giúp ngân hàng hạn chế đưa ra các nhận định chủ quan, thiếu chính xác, từ đó hạn chế rủi ro tín dụng, lừa đảo, giả mạo.
Ngân hàng còn kết hợp với các nguồn dữ liệu, tiêu chí khác để ra quyết định cho vay trên kênh số, phù hợp với khẩu vị rủi ro của ngân hàng. Đó có thể là lịch sử giao dịch của khách hàng; dữ liệu trả lương; lịch sử tín dụng của khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC, thuộc Ngân hàng Nhà nước).
''Nhưng điều quan trọng nhất là phải đảm bảo sự kết nối các hệ thống như VNeID, hệ thống chấm điểm tín dụng công dân với ngân hàng được thông suốt. Việc xử lý trả kết quả phải tức thời để không ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng'' – Phó tổng Vietcombank nói.
Khi triển khai đồng bộ các giải pháp trên, dân sẽ dễ tiếp cận dịch vụ ngân hàng hơn, kể cả với các khoản vay nhỏ, không tài sản thế chấp. Qua đó, ngân hàng sẽ mở rộng thị trường, dần đẩy lùi tín dụng đen.