Ngày 16-8, ông Đỗ Chí Chung, Chánh Văn phòng Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), khẳng định trong quá trình thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các đơn vị đã thực hiện giám sát chặt chẽ, nghiêm túc chất lượng vật liệu đưa vào công trường cũng như công tác thi công các hạng mục các gói thầu, đặc biệt là gói thầu A3.
Khu vực gói thầu A3, nơi nhà thầu Giang Tô thi công. Ảnh: TT
Thông qua đấu thầu quốc tế, nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) trúng thầu thi công gói thầu A3. Đây là một trong 13 gói thầu thi công xây lắp chính của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Gói thầu A3 (Km 99+500 - Km 110+100), nằm trên địa bàn huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sử dụng nguồn vốn ODA do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.
VEC khẳng định trong quá trình thi công, công tác đắp nền đường, việc đầu tiên là các nguồn vật liệu đất trước khi khai thác để làm vật liệu đắp nền đường cho dự án phải được tư vấn giám sát kiểm tra. Nếu đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, đạt chất lượng nhà thầu mới chấp thuận khai thác mang đến công trường.
Khi vật liệu mang đến công trường, trước khi thi công phải được tiếp tục lấy mẫu thí nghiệm, kiểm tra nếu đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, đạt chất lượng thì mới được tiến hành thi công. Nếu vật liệu đưa đến công trường không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, sẽ bị loại bỏ và di dời ngay ra khỏi công trường cho dù vật liệu đó đã kiểm tra tại nguồn.
Đối với vật liệu lấy tại mỏ đất Hố Dọc, trong quá trình thi công, Tư vấn giám sát đã liên tục kiểm tra mỏ đất Hố Dọc (nơi nhà thầu vận chuyển đất ra công trường).
Thực tế tại khu mỏ này đất từ sườn đồi đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, đạt chất lượng đất đắp cấp cho các vị trí Km 101+190 - Km 101+380 và Km 107+020 -Km 107+185 của đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để làm vật liệu đắp nền đường.
Đối với những vật liệu đất tại Hố Dọc không đảm bảo chất lượng hoặc không phù hợp làm vật liệu đắp nền đường, đơn vị thực hiện thi công hồ Hố Dọc vận chuyển đi nơi khác hoặc đến các cơ sở sản xuất gạch ngói tại địa phương. Tại hiện trường các vị trí trên của đường cao tốc, hiện nay lớp vật liệu đắp vẫn còn nguyên trạng.
Thông tin “đắp nền đường trên túi bùn”, khu vực Bàu Sen ở xã Bình Trung (Bình Sơn) mà dự án đi qua nằm trên lớp đất nền là đất bùn yếu, chiều sâu lớp đất yếu khoảng từ 8 đến 13 m. Vì vậy, muốn làm đường trên khu vực này cần phải có biện pháp xử lý đối với lớp đất yếu này. Có nhiều phương pháp xử lý nền đất yếu, tuy nhiên tại đây dùng biện pháp xử lý nền đất yếu bằng cọc cát, kết hợp đắp gia tải.
“Theo phương pháp này không phải bóc toàn bộ lớp đất bùn yếu đi, mà thực hiện theo trình tự. Trong quá trình thi công, xử lý nền đất yếu nêu trên đã được chủ đầu tư, tư vấn giám sát kiểm soát chặt chẽ trên tất cả các bước…” - VEC thông tin.