Vì đâu rocket của Hamas 'thoát' hệ thống Vòm Sắt của Israel?

Quân đội Israel từ lâu vẫn tự hào về hệ thống phòng không hiện đại của mình, điển hình là Vòm Sắt (Iron Dome), Arrow 3, Barak 8 và David’s Sling. Đây đều là những thiết kế dùng để bảo vệ nước này trước những mối đe dọa từ các cuộc tấn công rocket nhỏ cho tới những cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và đạn đạo tầm xa.

Tuy nhiên, cuộc giao tranh đang diễn ra giữa Israel với lực lượng Hamas cho thấy một thực tế là không có hệ thống phòng không nào thực sự hoàn hảo.

Sức mạnh tên lửa của Hamas gia tăng

Hãng tin Sputnik dẫn nhận định của nhà báo quốc phòng Iran – ông Seyed Mohammad Taheri cho hay những hạn chế về kỹ thuật của hệ thống Vòm Sắt cùng với việc Hamas đã cải thiện tầm bắn và tốc độ của tên lửa đã khiến những hệ thống phòng không tiên tiến của Israel ngày càng gặp khó khi chống lại các cuộc tấn công của Hamas.

Ảnh chụp ngày 29-1-2015 cho thấy thanh niên Palestine thể hiện kỹ năng trong lễ tốt nghiệp tại một trung tâm huấn luyện do lực lượng Hamas điều hành ở TP Khan Yunis, phía nam Dải Gaza. Ảnh: Said Khatib/AFP

“Đã vài ngày trôi qua kể từ khi bắt đầu nổ ra đợt đụng độ mới giữa quân đội Israel và các nhóm kháng chiến người Palestine. Đáng chú ý hơn cả là sức mạnh tên lửa của nhóm kháng chiến (Palestine) cũng như khả năng bắn khối lượng lớn tên lửa vào sâu trong lãnh thổ Israel và các hệ thống phòng không của Israel đang vật lộn với chúng” – nhà quan sát Taheri viết trên hãng tin Tasnim (Iran).

Theo nhà quan sát Taheri, quân đội Israel lần đầu phát hiện sức mạnh tên lửa ngày càng tăng của đối thủ là trong Chiến tranh Lebanon năm 2006. Thời điểm đó, các tay súng Hezbollah bắn hàng ngàn rocket vào Israel, ném bom các TP, thị trấn, làng mạc nhằm trả đũa một chiến dịch tương tự của Không quân Israel nhằm vào miền bắc Lebanon.

Hệ thống Vòm Sắt được đưa vào hoạt động năm 2011, từ đó trở thành bộ phận trung tâm của mạng lưới hệ thống phòng thủ tên lửa và hàng không đa tầng của Israel.

Có lẽ trong số những hệ thống phòng không của Israel, Vòm Sắt được giao nhiệm vụ giữ vai trò quan trọng nhất khi nói tới chống các lực lượng vũ trang như Hamas và Hezbollah. Vòm Sắt có nhiệm vụ đối phó những rocket tầm thấp, tốc độ chậm và kém tinh vi hơn.

Những hệ thống hiện đại hơn như Arrow 3 được thiết kế để đối phó các đe dọa bao gồm tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Tuy vậy, nhà quan sát Taheri cho biết trong khi Vòm Sắt đã tham gia nhiều cuộc thử nghiệm thực chiến thì những hệ thống phòng không khác của quân đội Israel, ngoại trừ trong một số trường hợp nhất định, vẫn chưa được tham gia bất kỳ cuộc xung đột nghiêm trọng nào. Do đó, hiệu quả của chúng vẫn còn gây tranh cãi.

Mỗi một hệ thống Vòm Sắt được trang bị radar, mô đun chỉ huy và điều khiển cùng ba bệ phóng, và mỗi bệ phóng có 20 tên lửa đánh chặn Tamir. Israel có tổng cộng 12 hệ thống Vòm Sắt trong kho vũ khí.

Điểm yếu của Vòm Sắt

Theo nhà quan sát Taheri, Vòm Sắt có một số điểm yếu.

“Thứ nhất, số lượng hệ thống Vòm Sắt sẵn có không đủ để bao phủ toàn bộ lãnh thổ Israel. Vì thế, trong trường hợp nổ ra chiến tranh trên nhiều mặt trận, hệ thống sẽ không thể đáp trả tất cả các cuộc tấn công rocket và tên lửa, và hệ thống phòng không tầm thấp của Israel sẽ cực kỳ dễ bị tổn thương” – ông Taheri cho biết.

Bộ Quốc phòng Israel và nhà thầu quốc phòng Rafael của Israel thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt phiên bản nâng cấp hồi tháng 1-2020. Ảnh:  Israeli Defense Ministry/The Times of Israel

Thứ hai, ông Taheri viết, Vòm Sắt không thể đánh chặn tên lửa hoặc rocket được phóng từ khoảng cách chưa tới 4km, nghĩa là việc bố trí các bệ phóng của đối phương ở khoảng cách gần hơn sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho hệ thống.

Bên cạnh đó, Vòm Sắt không thể theo dõi các mục tiêu bay với tốc độ cao và với thời gian bay dưới 28 giây.

“Hơn nữa, đầu đạn của những tên lửa được sử dụng trong hệ thống này được trang bị ngòi nổ gần, với khoảng cách tiêu diệt mục tiêu tối ưu là một mét. Nếu không đảm bảo yếu tố này, khả năng các mảnh vỡ của Vòm Sắt xuyên thủng mục tiêu và giảm đi tính phá hủy mục tiêu”- ông Taheri nói.

Chuyên gia Iran tin rằng việc không thể đối phó hỏa lực ồ ạt cùng một lúc cũng là vấn đề lớn đặt ra với hệ thống Vòm Sắt của Israel.

Thêm vào đó, giá tên lửa đánh chặn của Vòm Sắt cao hơn nhiều so với rocket giá thành thấp mà các nhóm Hamas và Hezbollah sử dụng, từ đó khiến việc bắn hạ trở thành một nỗ lực tốn kém, mặc dù Mỹ trợ cấp hàng tỉ đô la cho quân đội Israel.

“Theo thông tin công khai, mỗi tên lửa Vòm Sắt có giá 40.000 USD – 100.000 USD, trong khi giá mỗi rocket mà các nhóm Palestine bắn sang là 1.000 USD-5.000 USD” – ông Taheri viết.

Cuối cùng, nhà quan sát Iran cho rằng tốc độ, độ chính xác, tầm bắn và hiệu quả được cải thiện của tên lửa đang được các nhóm vũ trang Palestine sử dụng đặt ra một thách thức khác với hệ thống phòng không Israel.

“Sức mạnh gia tăng của những rocket (được các nhóm vũ trang người Palestine sử dụng) khiến cho phạm vi cuộc chiến - vốn chỉ giới hạn ở biên giới Dải Gaza -mở rộng đến tận sâu vào lãnh thổ Israel” – ông Taheri nhận xét.

“Ngoài việc gây nguy hiểm cho an ninh ở những khu vực và cơ sở nhạy cảm của Israel, chúng (rocket của các nhóm vũ trang người Palestine – PV) còn làm xáo trộn cuộc sống thường nhật của người Israel, đồng thời làm gia tăng sự bất mãn với chính phủ và quân đội Israel” – ông Taheri chỉ ra.

Nhà quan sát nhấn mạnh việc Hamas từng bước cải tiến tên lửa, nghiên cứu kỹ lưỡng những điểm mạnh/yếu của hệ thống phòng không Israel nói chung, đặc biệt là hệ thống Vòm Sắt, đã cho phép Hamas đạt được sức mạnh chưa từng thấy trước Israel.

“Nếu tiếp tục như vậy, điều này sẽ dẫn đến việc các nhóm kháng chiến (người Palestine) có được những vũ khí tiên tiến hơn những vũ khí mà họ đang có, đồng thời giáng những đòn nặng nề hơn vào Israel” – ông Taheri cảnh báo.

Tranh cãi về tính chính xác

Gã khổng lồ quốc phòng của Israel – Rafael từng tuyên bố hệ thống Vòm Sắt của họ có tỉ lệ đánh chặn thành công đến 90%, rằng hơn 2.500 tên lửa của Hamas và Hezbollah đã bị đánh chặn thành công từ năm 2011 đến tháng 1-2021.

Rocket được phóng từ Dải Gaza sang miền trung Israel hôm 16-5. Ảnh: Amir Cohen/REUTERS

Dù vậy, quân đội Israel đã đưa ra một con số thấp hơn về tỉ lệ đánh chặn chính xác của Vòm Sắt là 85%-90%. Hơn nữa, trước khi bùng phát cuộc giao tranh gần đây, giới chức an ninh quốc gia và tình báo Israel đã cảnh báo chính phủ về khả năng các lực lượng vũ trang người Palestine có thể phóng tới 1.000 rocket sang Israel chỉ trong một ngày, và cuối cùng là sẽ xuyên thủng cả lá chắn Vòm Sắt.

Hôm 14-5, biên tập viên Yonah Jeremy Bob của tờ The Jerusalem Post viết rằng Hamas – vốn được coi là có năng lực yếu hơn Hezbollah hay bất kỳ tổ chức nào mà Israel có thể chạm trán - có thể tìm ra cách vô hiệu hóa một phần hệ thống Vòm Sắt bằng cách đồng loạt bắn ồ ạt tên lửa, áp đảo hệ thống phòng không này.

“Như vậy có nghĩa là Vòm Sắt không còn hiệu quả nữa? Không phải. Hệ thống vẫn đánh chặn được phần lớn rocket phóng sang các khu dân cư của Israel. Câu hỏi lớn hơn đặt ra ở đây là liệu những ước tính của tình báo Israel rằng Hamas chỉ có vài trăm tên lửa có thể vươn đến Tel Aviv có chính xác hay không” – nhà quan sát Iran nhấn mạnh.

“Nếu những ước tính này là chính xác thì Hamas có thể đã sử dụng hết phần lớn kho vũ khí của mình trong các cuộc giao tranh tuần này. Tuy nhiên nếu Hamas có nhiều rocket tầm xa hơn, điều này có thể ảnh hưởng tới kế hoạch của Israel trong đợt bạo lực lần này, và đặc biệt là câu hỏi họ muốn giao tranh kéo dài bao lâu” – ông Bob viết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm