Vì sao 38,5 tỉ đồng hỗ trợ thiệt hại hạn mặn chưa tới dân?

Ngày 9-12, Kỳ họp thứ 19 HĐND khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi chung quanh các vấn đề cử tri quan tâm.

Đại biểu (ĐB) Đặng Ngọc Anh chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh việc chậm trễ hỗ trợ người dân trong đợt hạn mặn mùa khô 2019-2020.

Đại biểu Đặng Ngọc Anh chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: ĐH

38,5 tỉ đồng hỗ trợ người dân ảnh hưởng hạn mặn

Theo ĐB Đặng Ngọc Anh, hạn mặn mùa khô 2019-2020 người dân sản xuất nông nghiệp trong tỉnh bị thiệt hại nghiêm trọng hoa màu, cây trồng, vật nuôi. Hạn mặn cũng làm cây dừa giảm năng suất và chất lượng dừa trái, giảm thu nhập của người dân.

ĐB Đặng Ngọc Anh nêu vấn đề: Dù bị thiệt hại nặng nề từ hạn mặn nhưng đến nay người dân chưa nhận được hỗ trợ nào nhằm phục hồi sản xuất.

ĐB đặt vấn đề trách nhiệm và lý do chậm trễ trong thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân sản xuất nông nghiệp, người trồng dừa bị ảnh hưởng của hạn mặn…

Từ cuối 2019 đầu năm 2020, Bến Tre bị ảnh hưởng hạn mặn rất nghiêm trọng, mặn xâm nhập sâu, kéo dài từ tháng 11-2029 đến tháng 6-2020. Ảnh hưởng của hạn mặn đã làm kinh tế tăng trưởng sáu tháng đầu năm của tỉnh bị âm, đặc biệt nông nghiệp âm 3,37%, đến cuối năm 2020 tăng trưởng kinh tế vẫn âm 2,07%. Riêng nông nghiệp có hơn 154.000 ha các loại cây trồng, rau màu, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại gần 2.800 tỉ đồng.

Trả lời chất vấn của ĐB Đặng Ngọc Anh, ông Nguyễn Trúc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Tất cả các trường hợp bị thiệt hại sản xuất nông nghiệp do hạn mặn mùa khô 2019-2020 nếu đúng đối tượng quy định tại Nghị định số 02/2017 đều được hưởng chính sách hỗ trợ. 

Ông Sơn cũng cho biết hiện tỉnh đã phê duyệt kinh phí 38,5 tỉ đồng và đã phân bổ cho các huyện, TP hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng thiệt hại do hạn mặn mùa khô 2019-2020. Trong thời gian tới các huyện, TP, các xã sẽ khẩn trương chuyển số tiền này đến người dân để khôi phục sản xuất.

Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, đối với những nơi không theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ không đủ điều kiện hỗ trợ.

Ông Nguyễn Trúc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn. Ảnh: ĐH

Sẽ hỗ trợ người trồng dừa khôi phục sản xuất

Riêng đối với cây dừa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận thấy mùa khô 2019-2020, người trồng dừa trong tỉnh gặp nhiều khó khăn do hạn mặn khiến năng suất, chất lượng bị giảm, giảm sút thu nhập.

“Thiệt hại trên cây dừa theo quy định tại Nghị định 02/2017 thì không đủ điều kiện hỗ trợ khôi phục sản xuất sau hạn mặn. Tuy nhiên để chia sẻ khó khăn với người trồng dừa, UBND tỉnh nhất quán sẽ hỗ trợ người dân khôi phục vườn dừa.

UBND tỉnh đã xin ý kiến thường trực Tỉnh ủy và được chấp thuận chủ trương sử dụng ngân sách địa phương và tỉnh cũng kiến nghị kinh phí Trung ương hỗ trợ một phần để hỗ trợ cho người dân” - ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng nhìn nhận, UBND tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng hạn mặn. Ông cũng lý giải việc chậm trễ hỗ trợ người dân là do thời gian kết thúc hạn mặn mùa khô 2019-2020 trễ hơn dự báo; diện tích thiệt hại quá lớn phân tán cả tỉnh nên cần có thời gian thống kê chính xác đối tượng và mức độ thiệt hại…

Năm 2020 cùng lúc tỉnh phải thống kê số lượng rất lớn người dân và các ngành sản xuất bị tác động ảnh hưởng dịch bện COVID-19 để hỗ trợ theo chính sách của Trung ương.

“UBND tỉnh nhận thấy có thiếu sót do nhiều nguyên nhân, dẫn đến chưa đáp ứng kịp thời mong mỏi của cử tri và mong bà con cử tri chia sẻ. UBND tỉnh cam kết toàn bộ hệ thống quản lý hành chính từ cấp tỉnh đến huyện và xã sẽ hết sức khẩn trương thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng hạn mặn để người dân sớm khôi phục lại sản xuất”-  ông Nguyễn Trúc Sơn nói.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm