Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh có điểm đầu giao với đường Tôn Đức Thắng, quận 1 (TP.HCM) và điểm cuối giao đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, dài hơn 3 km.
Năm 2009, do tuyến đường này xuống cấp, TP.HCM chấp thuận chủ trương chỉ định Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) sửa chữa theo hình thức hợp đồng tổng thầu “chìa khóa trao tay”.
Tuy nhiên, từ đó đến nay đã tám năm, tuyến đường này vẫn chưa được sửa chữa, nâng cấp.
Quá tải và hư hỏng nghiêm trọng
Sở GTVT TP.HCM cho biết tuyến đường này đã được sử dụng và khai thác gần 20 năm. Thời gian qua, tuyến đường xuống cấp, nền mặt đường lún sâu, làm hư hỏng hệ thống thoát nước, gây ngập thường xuyên. Nơi này cũng trở thành điểm đen về ùn tắc giao thông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân tại khu vực.
Cũng theo thống kê của Sở GTVT, chỉ với chiều dài hơn 3 km nhưng tuyến đường này đã phải “cõng” gần 20.000 căn hộ đã và đang chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Trong thời gian tới, một số khu đô thị dọc tuyến cũng sẽ hoàn thành. Chưa kể sự gia tăng lưu lượng giao thông qua cầu Thủ Thiêm và Thủ Thiêm 2 vào tuyến đường này sẽ tạo áp lực giao thông ngày càng tăng tại đây” - Sở GTVT báo cáo. Sở này cũng cho biết với thực trạng như trên thì việc sửa chữa, khắc phục những hư hỏng là hết sức cần thiết và cấp bách.
Chuyện ngập nước, kẹt xe thường xuyên xảy ra trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: M.THANH
Tạm dừng do có đề xuất mới
Ngày 21-11, Sở GTVT có văn bản gửi UBND TP về việc triển khai sửa chữa tuyến đường này. Theo lý giải của Sở GTVT, năm 2009, sau khi TP đồng ý để CC1 sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã ký hợp đồng “chìa khóa trao tay” với CC1 để triển khai dự án. Doanh nghiệp này cũng đã tổ chức khảo sát và hoàn tất nội dung dự án khả thi.
Đến năm 2015, dự án này mới được thông qua chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công và được TP bố trí vốn chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, một năm sau dự án phải tạm dừng do nhiều nguyên nhân…
Theo phương án đề xuất gần đây của Vingroup, tập đoàn này sẽ ứng kinh phí khoảng 526,7 tỉ đồng cho TP (không tính lãi) để thực hiện đầu tư dự án. TP đã có thông báo chấp thuận đề xuất này. Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho hay hiện nay Vingroup vẫn ứng tiền cho TP làm không lấy lãi nhưng không thực hiện dự án này nữa. Và hiện nay việc xác định ai là nhà thầu của dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh thì đang phải chờ ý kiến của Chính phủ.
Theo Sở GTVT, năm 2017, dự án đã được bố trí kế hoạch vốn công trình chuẩn bị đầu tư và thuộc danh mục dự án trong chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020. Để rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng tám tháng, UBND TP đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP.HCM được đầu tư dự án này theo lệnh khẩn cấp. Đồng thời cho TP được tiếp tục triển khai hợp đồng “chìa khóa trao tay” mà không phải lập lại thủ tục lựa chọn nhà thầu.
Tiếp tục kẹt vì trung ương chỉ đạo chưa rõ
Kiến nghị của TP.HCM đã được các bộ Xây dựng, GTVT, Tài chính thông qua và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có văn bản phản hồi.
“UBND TP.HCM căn cứ các quy định của pháp luật để quyết định theo thẩm quyền việc tiếp tục giao nhà thầu thực hiện theo hợp đồng “chìa khóa trao tay” đã ký kết và chịu trách nhiệm về phương án bố trí vốn thực hiện dự án phù hợp với ngân sách TP và theo quy định pháp luật về đầu tư công” - văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng nêu.
Theo Sở GTVT, dự án này đã đủ điều kiện về vốn, về hồ sơ dự án cũng đảm bảo đủ điều kiện để phê duyệt đầu tư dự án và triển khai các bước tiếp theo. Tuy nhiên, với chỉ đạo như trên của Phó Thủ tướng thì “Sở GTVT nhận thấy nội dung văn bản của Văn phòng Chính phủ chưa rõ kiến nghị của TP” - văn bản của Sở GTVT nêu.
Theo sở này, nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng hiện nay đang phải hiểu theo hai cách: Một là Thủ tướng đã ủy quyền cho TP quyết định và chịu trách nhiệm theo thẩm quyền việc tiếp tục hợp đồng “chìa khóa trao tay” đã ký kết với CC1. Có nghĩa là đồng ý với kiến nghị của TP.
Hai là theo quy định hiện hành, TP không đủ thẩm quyền quyết định thực hiện dự án theo lệnh khẩn cấp trong trường hợp này. Mặt khác, tính chất đặc thù công trình và tình hình hiện nay có khác so với thời điểm TP chấp thuận chỉ định năm 2009 nên không thể thực hiện dự án theo kiến nghị của TP.
Bối rối vì chỉ đạo này, Sở GTVT đã tham khảo ý kiến Sở Tư pháp. Sở Tư pháp cho rằng nội dung công văn của Văn phòng Chính phủ không thể hiện rõ “cho phép” hay “ủy quyền” cho TP được thực hiện đầu tư dự án theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách. Do đó, không có cơ sở để TP thực hiện theo Nghị định 59/2015 của Chính phủ.
Sở GTVT đã kiến nghị TP tổ chức cuộc họp để nghe các sở, ngành có liên quan báo cáo, tham mưu việc triển khai tiếp dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Ùn tắc ở trục chính đô thị Theo Sở GTVT TP.HCM, tổng chiều dài sửa chữa tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh là 3,12 km. Gồm ba đoạn: Đoạn 1 từ đường Tôn Đức Thắng đến giáp ranh cầu Văn Thánh 2. Đoạn 2 từ ranh dự án cầu Thủ Thiêm đến đầu đường dẫn vào cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Đoạn 3 từ cuối đoạn 2 đến đường Điện Biên Phủ. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 472 tỉ đồng. Trong đó chi phí xây lắp khoảng 344 tỉ đồng, không giải phóng mặt bằng. Thời gian thi công khoảng 12 tháng. Sở GTVT nhấn mạnh tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những tuyến đường huyết mạch của TP, kết nối khu vực trung tâm với cửa ngõ Đông Bắc TP. Tuyến đường này đóng vai trò quan trọng trong việc giải tỏa ùn tắc giao thông khu vực và là trục chính đô thị, phục vụ nhu cầu giao thông chủ yếu cho khu vực và các khu đô thị tập trung đã, đang xây dựng dọc tuyến. |