Mùa giải Cánh diều 2014 đã mở màn và lễ trao giải sẽ diễn ra vào tối 12-3 sắp tới tại TP.HCM. Đây là mùa giải có lượng phim truyện điện ảnh dự thi cao hơn hẳn những năm trước (17 phim).
Nhiều phim vẫn không ăn thua
Giải Cánh diều 2014 của Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức cũng là mùa giải thứ 13 của giải thưởng này. Nhưng 13 lần tổ chức, quy mô của giải thưởng ngày càng nhỏ hẹp.
Những mùa giải Cánh diều đầu tiên, nhiều người hy vọng ở một giải thưởng điện ảnh danh giá của điện ảnh Việt. Và những mùa giải đó, giới chuyên môn lẫn truyền thông thường buồn lòng bởi sự phân biệt phim nhà nước - phim tư nhân còn quá rõ ràng; giải thưởng có quá ít phim tham dự, có mùa giải lượng phim tham dự chỉ đếm được trên đầu ngón tay; các nhà sản xuất phim tư nhân không thấy đó là sân chơi của họ…
Thế nhưng trong khoảng ba năm trở lại đây, lượng phim tham dự đã nhiều hơn. Năm nay có 137 tác phẩm dự tranh giải, trong đó hạng mục phim truyện nhựa tranh giải Cánh diều vàng đã có tới 17 phim, chưa kể đến phim Trúng số, Đập cánh giữa không trung nộp phim trễ. Nếu những phim này nộp đúng hạn thì có khi con số phim truyện điện ảnh dự giải lên đến trên dưới 20 phim.
Trong hai mùa giải gần nhất, với sự chiến thắng của phim Thần tượng (sáu giải tại mùa giải Cánh diều 2013), Thiên mệnh anh hùng và Scandal - Bí mật thảm đỏ chiến thắng nhiều hạng mục ở giải Cánh diều 2012 là minh chứng cho việc xóa nhòa phân biệt phim tư nhân - nhà nước hay điện ảnh trong nước - điện ảnh Việt kiều.
Vậy sao Cánh diều vẫn cứ lửng lơ đâu đó mà không ở lại được trong lòng khán giả và quan trọng hơn là trong lòng nhà tài trợ? Tại sao một giải thưởng điện ảnh được hy vọng danh giá nhất xứ Việt lại bị rơi rụng thành một sự kiện tổng kết của Hội Điện ảnh Việt Nam hằng năm?
Cánh diều năm nay có 17 phim tham dự, có cả phim đoạt doanh thu cao nhất trong năm qua - Để Mai tính 2. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp
Sự chán nản khó nói
Diễn viên Quyền Linh, người gắn bó với giải Cánh diều trong vai trò đạo diễn suốt hai mùa giải, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, giải Cánh diều luôn khó khăn về mặt tài chính. Hội thì không có nhiều kinh phí. Cách họp báo ba ngày, chúng tôi mới có được sóng truyền hình. Đúng 10 ngày trước khi lễ trao giải diễn ra, chúng tôi gần như không có đủ kinh phí để tổ chức”.
NSND Toàn Dũng thì cho biết ông đau xót khi: “Chúng ta vẫn ca ngợi, nghệ thuật là quan trọng, thế nhưng không ai giúp đỡ mà chúng tôi phải đi xin từng đồng”.
Thực tế, những nghệ sĩ rên rỉ là đúng nhưng cả nghệ sĩ lẫn ban tổ chức nên nhìn rộng ra những điều đã làm giải thưởng đánh mất công chúng.
Nếu ban tổ chức luôn tư duy theo kiểu điện ảnh phải được hỗ trợ của Nhà nước thì quả là tư duy quá cũ kỹ. Chính từ tư duy này mà lễ trao giải Cánh diều luôn rơi vào thế bị động. Khi cân đối ngân sách trong năm, đến hồi không đủ kinh phí cho lễ trao giải và lễ gần diễn ra, ban tổ chức mới bắt đầu đi kiếm tài trợ.
Mỗi mùa giải Cánh diều, muốn kêu gọi tài trợ thì lễ trao giải phải được tổ chức chuyên nghiệp nhưng sự chuyên nghiệp luôn thiếu ở Cánh diều. Mùa giải này kết thúc coi như việc đã xong, thiếu sự chuẩn bị lâu dài cho mùa giải năm sau. Lễ trao giải Cánh diều luôn quá nhiều lễ nghi mà thiếu sự mới mẻ, sinh động từ người tham gia trao giải lẫn người được vinh danh. Chưa kể đến lễ trao giải năm nào dường như cũng có sai sót, như mùa giải năm ngoái khi tưởng niệm và vinh danh cố đạo diễn Phạm Văn Khoa, chương trình lại chiếu ảnh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Hay lễ trao giải luôn bị nhà đài cắt do lố giờ so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, chính từ cách nghĩ đây là hoạt động tổng kết hội mà giải thưởng vẫn trao giải theo kiểu cả làng đều vui, phim nào không có giải to cũng có giải bé; giải thưởng vẫn rườm rà nhiều lễ nghi mà mất đi phần cảm xúc của nghệ sĩ khi nhận giải lẫn phần giới thiệu về phim được vinh danh.
Mỗi lễ trao giải đều có chuyện, giải thưởng ngày càng chán… nên dù yêu điện ảnh đến đâu cũng khó có những nhà tài trợ lớn dám xăm mình đồng hành cùng giải thưởng. Và khi giải ngày càng nhạt nhòa thì dĩ nhiên công chúng càng lèo tèo thế thôi!
Già nua có hệ thống Không chỉ công chúng rời xa giải thưởng mà ngay chính với người trẻ trong nghề, giải thưởng cũng khó thu hút họ. Từ Cánh diều đến Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội… trên thảm đỏ lẫn ghế giám khảo của các giải thưởng này thường thiếu vắng những gương mặt diễn viên trẻ, đạo diễn trẻ. Như đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, thành viên ban giám khảo hạng mục phim truyện nhựa giải Cánh diều 2014, chia sẻ về việc thiếu vắng những giám khảo trẻ: “Quan điểm của hội là không có rào cản nào cả trong thành viên ban giám khảo. Chúng tôi từng nhờ đạo diễn Cường Ngô, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Hàm Trần… để mong muốn có những thay đổi trong thành viên ban giám khảo nhưng có thể có những lý do riêng mà các anh không tham gia được”. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, thì cho rằng các nghệ sĩ trẻ, đạo diễn trẻ… ham chạy sô nên không có mặt tham dự các giải thưởng. Thực tế, có ham chạy sô đến mấy, nếu một giải thưởng chất lượng thật sự, tác động đến việc làm nghề của họ… thì chẳng ai tiếc chi mấy ngày công để đồng hành cùng giải thưởng. Đằng này, có thêm tượng Cánh diều, phim của họ doanh thu cũng không khá hơn, với giới chuyên môn thì cũng chẳng phải phim được đánh giá cao hơn, thế nên có phim cứ gửi dự, có giải hay không cũng vậy thôi! |