Sau 11 ngày làm việc, chiều qua, 30-5, HĐXX quyết định nghị án kéo dài phiên xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Theo thông báo, vụ án có nhiều tình tiết cần phải xem xét nên HĐXX sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào lúc 14 giờ ngày 5-6.
Nhiều bạn đọc thắc mắc HĐXX quyết định việc nghị án kéo dài trong trường hợp nào, thời gian nghị án được kéo dài tối đa bao lâu, nếu sau khi nghị án mà phát hiện có tình tiết mới, cần thời gian xem xét thì giải quyết ra sao...
Luật sư Nguyễn Hoàng Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM) lý giải:
Luật Tố tụng hình sự cũ không quy định cụ thể, rõ ràng về thời gian nghị án đối với vụ án hình sự. Việc bỏ lửng về thời gian nghị án có thể khiến bị cáo mang thân phận bị cáo… vô thời hạn. Mặt khác, việc kéo dài thời gian tuyên án mà không có quy định cụ thể còn có thể sẽ khiến thẩm phán không thể tham gia tố tụng trong vụ án khác bởi về nguyên tắc tòa án phải xét xử liên tục...
Do đó, để sửa chữa những bất cập này, BLTTHS mới đã có quy định cụ thể về thời gian nghị án kéo dài của vụ án hình sự ở Điều 326 BLTTHS 2015, có hiệu lực từ 1-1-2018.
Theo đó, tại khoản 5, khoản 6 Điều 326 BLTTHS 2015 nêu rõ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp thì HĐXX có thể quyết định kéo dài thời gian nghị án nhưng không quá bảy ngày, kể từ ngày kết thúc tranh luận tại phiên tòa. HĐXX phải thông báo cho những người có mặt tại phiên tòa và người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa biết giờ, ngày, tháng, năm và địa điểm tuyên án.
Kết thúc việc nghị án, HĐXX phải quyết định một trong các vấn đề:
- Ra bản án và tuyên án;
- Trở lại việc xét hỏi và tranh luận nếu có tình tiết vụ án chưa được xét hỏi, chưa được làm sáng tỏ;
- Trả hồ sơ vụ án để VKS điều tra bổ sung; yêu cầu VKS bổ sung tài liệu, chứng cứ;
- Tạm đình chỉ vụ án.
Hiện luật vẫn chưa có quy định cụ thể, chi tiết về trường hợp vụ án như thế nào thì được quyền nghị án kéo dài, cũng chưa có quy định cụ thể sau khi có kết quả nghị án thì trong bao lâu phải tuyên án.