Thiếu mặt bằng - dự án chậm tiến độ, thiếu đất đắp - dự án đứng bánh, giá cả leo thang - doanh nghiệp càng làm càng lỗ... là những vấn đề gây cản trở nhà thầu xây dựng. Do đó, tỉnh Quảng Nam xác định, tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu xây dựng cũng là một giải pháp tối ưu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Chênh lệch giá quá lớn
Ông Trần Quốc Hòa, Giám đốc Công ty Trung Trung Bộ, cho hay giá dự toán nhà nước ban hành không sát thực tế, có sự chênh lệch cao gây khó khăn cho nhà thầu. Mức giá vật liệu đến chân công trình cao hơn nhiều so với giá dự toán, thậm chí gấp 2-3 lần.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu mỏ khoáng sản phục vụ dự án xảy ra tại nhiều địa phương cũng là yếu tố gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ông mong các cơ quan quản lý quan tâm, tháo gỡ khó khăn để nhà thầu hoàn thành trách nhiệm của mình.
“Doanh nghiệp rất khó khăn, làm được 5-7 tỉ thì phải chờ thanh toán, còn vay ngân hàng thì hết hạn mức, chờ nguồn vốn của tỉnh cấp về thì rất lâu, đề nghị các sở ngành quan tâm”, ông Hòa nói thêm.
Ngoài vấn đề khan hiếm vật liệu xây dựng, giá cước vận chuyển cũng là nguyên nhân khiến nhà thầu lao đao.
“Khi giải quyết được cước vận chuyển thì sẽ giải quyết được vấn đề giá cả”, ông Nguyễn Văn Trung, Tổng Giám đốc Vinaconex 25 cho biết.
Tương tự, Giám đốc Công ty Thanh Tiến, ông Đinh Thanh Trí đồng tình với ý kiến về giá cả vật liệu xây dựng, nhân công, cước vận chuyển không sát thực tế.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khác doanh nghiệp xây dựng rất quan tâm như nguồn vốn, công tác GPMB, thủ tục hồ sơ nghiệm thu, thanh quyết toán… nhiều dự án chưa tốt.
Theo ông, hiện nay một số dự án kéo dài tiến độ, nguồn vốn bị động. Mặt bằng không được bàn giao kịp thời hoặc "xôi đỗ". Thậm chí rất nhiều tháng trang thiết bị thi công phải “đắp chiếu” chờ mặt bằng, gây lãng phí cho nhà thầu xây dựng.
Khi có mặt bằng, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu tập trung nhân lực máy móc tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ, đồng nghĩa với việc nhà thầu phải bỏ ra chi phí lớn nhất.
Bên cạnh đó, công tác quản lý mặt bằng lỏng lẻo, để người dân lợi dụng cơi nới, xây dựng, trồng cây.
“Đề nghị các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu và có chế tài quy định buộc chủ đầu tư phải bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công hoặc công tác GPMB phải đi trước 1 bước”, theo ông Đinh Thanh Trí.
Thiếu đất đắp, kiểm soát chặt giá vật liệu
Theo ghi nhận, nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang đứng bánh vì thiếu đất đắp. Một số dự án đứng bánh, chậm tiến độ như: Đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, đường ĐT609 (huyện Duy Xuyên), dự án xây dựng cầu Tam Tiến, cầu Tam Giang (huyện Núi Thành)...
Ông Trần Hữu Thuật, Giám đốc Công ty Minh Khang cho hay nhiều dự án công ty làm nhà thầu chính đang chậm tiến độ do không có đất đắp, giá cả cát sỏi tăng cao…
“Giá cát xây dựng nhà nước ban hành 170.000 đồng/m3, nhưng chúng tôi không bao giờ mua được. Chỉ có xe đầu nậu mới mua được, chúng tôi phải mua lại của xe đầu nậu với giá 300.000 đồng/m3”, ông Thuật bức xúc.
Cũng theo ông, một dự án công ty trúng thầu tại Núi Thành gần 5 năm chỉ giải phóng mặt bằng được 45%. Trong khi đó, dự án đấu thầu không được điều chỉnh giá, có thời hạn 3 năm, giá cả tăng cao hơn rất nhiều, có thời điểm 2-3 lần.
“Chúng tôi chậm tiến độ, hoặc chưa xong dự án theo cam kết bởi lý do cơ bản nhất là không có vật liệu xây dựng. Những chỗ có vật liệu thì công trình nào chúng tôi cũng hoàn thành”, ông Thuật nói.
Trước những khó khăn của các nhà thầu, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã đối thoại với nhà thầu xây dựng để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn.
Về vấn đề nổi cộm gây khó khăn cho nhà thầu là doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng muốn trốn thuế, kê khai hoá đơn thấp trong khi bán ra thị trường giá cao. Ông Dũng yêu cầu không để DN khai thác khoáng sản tự tung tự tác, thổi giá, đầu cơ…
Chủ tịch Quảng Nam đồng tình với cơ quan chuyên môn về các yếu tố khách quan khiến giá cả leo thang. Nhưng cũng nhìn nhận yếu tố chủ quan là sự yếu kém trong quản lý của cơ quan nhà nước, khi làm giá dự toán không thực tế.
“Mình cứ lấy hoá đơn đó làm căn cứ đánh giá, nhưng giá ngoài thị trường thì trên trời. Không kiểm soát được là yếu kém của mình, đừng lấy cái đó (hoá đơn – PV) rồi nói giá thị trường biến đổi ít. Không phải!”, ông nhấn mạnh.
Công ty khai thác cát sỏi làm ăn gian dối sẽ bị thu hồi giấy phép
Chủ tịch Quảng Nam Lê Văn Dũng yêu cầu các Sở, ngành tham mưu giải pháp lập lại kỷ cương, trật tự trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản, xem lại cách quản lý khi làm đúng quy trình mà giá cả vẫn chênh nhau rất xa.
“Công ty khai thác cát sỏi nào làm ăn gian dối, mua bán hoá đơn, hoá đơn thấp mà bán ra thị trường giá cao, các đồng chí phát hiện, đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép?”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, một bộ phận cán bộ làm việc quá an toàn, cấp phép khai thác khoáng sản ít lại làm khan hiếm thị trường, khiến giá cả tăng cao gây khó khăn cho nhà thầu.