QL91B dài chưa tới 16 km thông xe, đưa vào sử dụng chưa bao lâu thì hư hỏng cục bộ tại một số vị trí, sau đó thì nứt nẻ, ổ gà, ổ voi ở nhiều chỗ khác. Đơn vị chức năng dặm vá, duy tu, sửa chữa nhưng vẫn không khắc phục được.
Bốn năm sau (năm 2014), Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án 1 (Bộ GTVT) rà soát để lập dự án “sửa” QL91B theo hình thức BOT.
Làm đường gần 500 tỉ đồng, xài đúng năm năm
Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, QL91B là một trong những công trình có thời gian thực hiện kéo dài kỷ lục bởi từ khi được duyệt dự án đến lúc hoàn thành và chính thức thông xe là hơn 15 năm.
Cụ thể, từ tháng 1-1995 Bộ GTVT ký quyết định phê duyệt dự án. Qua nhiều lần điều chỉnh, đến năm 2009 Bộ GTVT quyết định phê duyệt dự án thành phần xây dựng QL91B (thuộc dự án xây dựng tuyến đường Nam Sông Hậu) với tổng mức đầu tư dự án trên 455 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Đến đầu tháng 6-2010, QL91B chính thức thông xe.
Tuy nhiên, chưa tới bảy ngày sau QL91B bắt đầu xuất hiện nhiều chỗ hư hỏng. Đơn cử như đoạn đi ngang qua địa phận phường Long Hòa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) ở giữa lòng đường xuất hiện một số vết nứt lớn, dài 5-7 m làm cho mặt đường lồi lõm, lớp nhựa đường bong tróc, ổ gà, ổ voi… Một số vị trí khi đào kiểm tra cho thấy bề dày các lớp kết cấu móng không đạt yêu cầu theo quy trình, độ chặt thấp so với yêu cầu thiết kế…
Chủ đầu tư (CĐT) dự án QL91B là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, thời điểm năm 2011 khi trả lời Pháp Luật TP.HCM về việc này đã nhìn nhận công tác thiết kế đã chưa dự báo đầy đủ sự gia tăng lưu lượng xe trên tuyến cũng như tải trọng xe quá tải, quá khổ. Phía CĐT đề xuất Bộ GTVT cho chủ trương thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu, tính toán để nâng cấp cho phù hợp với tình hình mới vì kết cấu áo đường hiện tại không “gánh” nổi áp lực của các phương tiện tải trọng nặng.
QL91B xây bằng vốn trái phiếu chính phủ hư hỏng nặng sau thời gian thông xe chẳng bao lâu. Ảnh: GIA TUỆ
Sửa sai với dự án BOT trên 600 tỉ đồng
Đến năm 2014 Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án 1 rà soát, cập nhật dự án đầu tư xây dựng công trình QL91B theo hình thức BOT. Ban quản lý dự án 1 chỉ đạo Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDIS) nghiên cứu phương án đầu tư dự án. TEDIS sau đó hoàn tất báo cáo đầu kỳ sơ bộ về hiện trạng cũng như phương án đầu tư. Trong đó sử dụng trạm thu phí của dự án đầu tư QL91 (đoạn Km 14+00 - Km 50+889) để thu phí hoàn vốn cho dự án.
Cuối năm 2014 Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng xem xét chấp thuận đầu tư cải tạo, mở rộng QL91B ghép vào dự án BOT QL91 (đoạn Km 14+00 – Km 50+889). Thủ tướng chấp thuận chủ trương theo đề xuất, đồng thời yêu cầu Bộ GTVT thống nhất với Bộ Tài chính và UBND TP Cần Thơ về vị trí trạm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT đảm bảo đúng quy định hiện hành.
Trong văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với dự án xây dựng QL91B (đã hoàn thành từ tháng 6-2010), tiếp tục xử lý trách nhiệm đơn vị thi công.
Tháng 7-2015, dự án tăng cường nền mặt đường QL91B đoạn Km 0+000 - Km 15+793 được CĐT tiến hành khởi công với tổng vốn 614 tỉ đồng.
Đáng chú ý, dự án triển khai chủ yếu không mở rộng gì nhiều bề mặt đường mà chỉ là tăng cường nền mặt đường trên cơ sở hiện trạng đường cũ, đoạn 2 km đầu “xẻ thịt” bớt vỉa hè sẵn có để mở rộng thêm. Riêng các cầu thì chỉ có ba cầu ở phạm vi 2 km đầu tiên sửa chữa tăng cường mở rộng thêm bằng cách phá bỏ phần dành cho người bộ hành. 19 cầu còn lại trên toàn tuyến chỉ thay khe co giãn cũ đã hư hỏng và thảm lại bê tông nhựa mặt cầu...
Và dự án BOT QL91B sau khi hoàn thành đã đặt Trạm thu phí T2 tại Km 50+050. Về vị trí trạm T2, điều đáng nói là đầu tháng 2-2015 Thủ tướng mới có công văn đồng ý cho thực hiện đầu tư cải tạo, mở rộng QL91B ghép vào dự án BOT QL91 (đoạn Km 14+00 – Km 50+889) và yêu cầu Bộ GTVT thống nhất với Bộ Tài chính và UBND TP Cần Thơ về vị trí trạm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT đảm bảo đúng quy định hiện hành.
trước đó gần bốn tháng (từ tháng 9-2014), Bộ GTVT đã làm trước khi có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND TP Cần Thơ đề nghị thống nhất chủ trương đầu tư, phương án, quy mô đầu tư cải tạo, mở rộng QL91B và vị trí đặt trạm thu phí. Trong đó ấn định hai vị trí là một trạm tại Km 14+770 và tại Km 50+050. Rất nhanh chóng, từ ngày 15 đến 17-9-2014, lần lượt ba cơ quan nói trên có văn bản đồng thuận.
Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với Công ty CP Đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang để hỏi rõ thêm tính pháp lý của trạm T2 cũng như các vấn đề liên quan đến dự án BOT 91B. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty cho biết đang có chuyến công tác nên hẹn lại tuần sau, đồng thời đề nghị liên hệ thêm với Bộ GTVT là nơi phê duyệt quyết định đầu tư dự án để nắm thêm. Pháp Luật TP.HCM tiếp tục thông tin về dự án này đến bạn đọc. |