Vì sao tòa án triệu tập vợ ông Nguyễn Đức Chung?

Ngày mai, 10-12, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Ba bị cáo cùng hầu tòa về tội danh nêu trên, gồm Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Võ Tiến Hùng (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic).

Đáng chú ý, trong danh sách những người tham gia tố tụng, tòa có triệu tập bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Cũng với tư cách tố tụng này, tòa còn triệu tập đại diện UBND TP Hà Nội và đại diện Công ty Arktic.

Ông Nguyễn Đức Chung (trái) và Nguyễn Trường Giang

Theo cáo trạng, ông Chung bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà mình nắm giữ để tạo thuận lợi cho Công ty Arktic trong việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C. Lẽ ra, TP Hà Nội có thể mua chế phẩm trực tiếp từ Công ty Wacth Water (nhà sản xuất) thì lại phải thông qua Công ty Arktic (nhà phân phối độc quyền) với mức giá cao hơn.

Hậu quả hành vi trên, Công ty Arktic (nơi gia đình ông Chung có 40% vốn góp) hưởng lợi hơn 36 tỉ đồng từ việc bán chênh lệch giá. Số tiền này được cơ quan tố tụng xác định là thiệt hại cho ngân sách Thủ đô.

Vẫn theo cáo trạng, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa thành lập Công ty Arktic, đã góp đủ 5 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng đứng tên Đào Xuân Tấn và Nguyễn Đức Hạnh (con trai bà Hoa và ông Chung).

Toàn bộ hồ sơ đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Arktic đều do bà Hoa thực hiện và tự ký giả chữ ký của Nguyễn Đức Hạnh.

Tháng 6-2016, bà Hoa làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn góp để thay đổi thành viên góp vốn từ Đào Xuân Tấn sang Nguyễn Trường Giang. Một tháng sau, bà Hoa tiếp tục làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn để thay đổi thành viên góp vốn từ Nguyễn Đức Hạnh sang Nguyễn Trường Giang (trong đó Giang đứng tên sở hữu 60% vốn góp, bà Nguyễn Thị Bích Hằng đứng tên sở hữu 40% vốn góp).

Kết quả điều tra xác định không có việc mua, bán, không có việc thanh toán tiền giữa các bên chuyển nhượng phần vốn góp. Ngay sau khi Công ty Arktic thực hiện thủ tục nhập khẩu mẫu chế phẩm Redoxy-3C, ông Chung nhờ chồng bà Hằng lấy tên bà Hằng để làm thủ tục nhận chuyển nhượng và đứng tên thành viên góp vốn thay cho Nguyễn Đức Hạnh.

“Như vậy, xác định gia đình Nguyễn Đức Chung sở hữu 40% vốn điều lệ Công ty Arktic” – cáo trạng nêu.

Về phía Nguyễn Trường Giang, cáo trạng xác định bị cáo này có mối quan hệ thân thiết với cá nhân và gia đình ông Nguyễn Đức Chung. Giang là người điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Arktic, biết Công ty Arktic là công ty gia đình ông Chung.

Ngoài các hành vi liên quan trực tiếp đến việc nhập khẩu và bán chế phẩm Redoxy-3C, bị cáo cùng với bà Nguyễn Thị Trúc Chị Hoa thực hiện mua, bán phần vốn góp của Công ty Arktic lòng vòng, không rõ ràng để thực hiện, đối phó, che dấu hành vi phạm tội của bản thân và bị cáo Chung.

Đây là vụ án thứ hai liên quan đến cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung được đưa ra xét xử. Ông Chung cùng hai bị cáo còn lại bị truy tố theo khoản 3 Điều 356 BLHS, với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù.

Trước đó, tháng 12-2020, trong vụ án đầu tiên, ông Chung bị tuyên phạt 5 năm tù do chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là tài liệu điều tra vụ án liên quan đến Công ty Nhật Cường.

Vụ án thứ ba, nhưng chưa có lịch xét xử liên quan trực tiếp đến dự án công nghệ thông tin của Nhật Cường với UBND Hà Nội. Trong đó, ông Chung bị truy tố với cáo buộc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu tại Sở KH&ĐT Hà Nội, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,5 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm