Tạp chí Harvard Business Review (HBR) đánh giá trong khi đó Mỹ liên tục có những thế hệ CEO tầm cỡ toàn cầu như Bill Gates (Microsoft), Steve Jobs (Apple), Mark Zuckerberg (Facebook) và nhiều tên tuổi đình đám khác.
Chỉ có hai tên tuổi tầm cỡ
Trong bảng xếp hạng đầu năm 2013 liệt kê 100 nhà lãnh đạo có thành tích về dài hạn tốt nhất, thực hiện bởi HBR, chỉ có vỏn vẹn ba nhà lãnh đạo tập đoàn từ Trung Quốc (TQ) đại lục xuất hiện. Bảng xếp hạng này của HBR, lấy mốc từ năm 1995 đến nay, được tính toán dựa trên mức tăng lợi nhuận của các cổ đông và tăng trưởng tài chính của công ty trong thời gian các nhà lãnh đạo công ty nắm quyền. Người đứng đầu danh sách năm 2012 chính là Steve Jobs - CEO quá cố của Tập đoàn Apple. Điều này cho thấy các nhà lãnh đạo tập đoàn của TQ sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để đuổi kịp những đối thủ quốc tế của mình, tờ Financial Times bình luận.
Trong thời gian từ năm 2013 đến nay, TQ đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị thế nền kinh tế thứ hai thế giới của Nhật Bản, tăng tốc bám đuổi nước Mỹ trong thang bậc kinh tế thế giới. Thế nhưng trong bảng xếp hạng năm 2015 của HBR, vẫn chỉ có hai nhà lãnh đạo tập đoàn của TQ là Alfred Chan Wing Kin (Tập đoàn khí đốt Hong Kong và TQ) và Huateng Ma (Tập đoàn công nghệ thông tin Tencent). Cả hai người này đều nằm ngoài tốp 40 lãnh đạo tập đoàn có thành tích dài hạn tốt nhất thế giới. Sáu quốc gia dẫn đầu về số lượng doanh nhân góp mặt trong bảng xếp hạng của HBR trong năm 2015 gồm có: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada và Nhật Bản. Trong khi đó, không có doanh nhân nào của TQ đại lục góp mặt được vào danh sách.
Đây được xem là một bước lùi đối với cộng đồng các CEO của TQ. Đã từng có đến ba lãnh đạo của các tập đoàn nước này là Air China, Citic Securities và Gree Electric lọt vào danh sách năm 2012, chưa tính đến CEO của các công ty ở Hong Kong. Các doanh nhân TQ từng tuyên bố rằng “khi các công ty của TQ trở nên tập trung hơn vào sáng tạo, thành tích của những công ty này sẽ được cải thiện”, theo ghi nhận của nhóm thực hiện bảng xếp hạng năm 2012. Thế nhưng dường như vẫn còn nhiều vấn đề nan giải khác ngăn TQ sản sinh ra những lãnh đạo kinh doanh tài năng hàng đầu thế giới.
Tỉ phú người Trung Quốc Jack Ma đang nổi tiếng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có rất ít CEO đạt đến tầm cỡ quốc tế. Ảnh: GETTY
Đặt lợi nhuận trên đạo đức
Một trong những lý do khiến TQ chưa thể có nhiều lãnh đạo tập đoàn tầm cỡ quốc tế chính là tư duy trọng lợi nhuận của đa số doanh nhân, sẵn sàng ngó lơ những quy chuẩn đạo đức kinh doanh. Một khảo sát của hãng kế toán toàn cầu EY vào năm 2015 cho thấy trong hơn 3.000 doanh nghiệp ở 62 quốc gia được khảo sát, những người tham gia khảo sát tại Hong Kong sẵn lòng vi phạm đạo đức kinh doanh hơn những đối thủ quốc tế của họ. 72% những người được khảo sát cho rằng họ sẵn sàng thực hiện những hành động đi ngược lại các quy chuẩn này để cứu lấy công ty của mình, đặc biệt trong tình hình kinh tế suy thoái. Tỉ lệ trung bình toàn cầu chỉ dừng lại ở mức 36%. Có 64% các lãnh đạo doanh nghiệp Hong Kong sẽ chấp nhận các hành vi thiếu đạo đức kinh doanh để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận, trong khi tỉ lệ trung bình toàn cầu chỉ là 42%.
Trả lời tờ South China Morning Post, ông Chris Fordham - quản lý Cơ quan Điều tra gian lận của EY nhận định: “Tình hình kinh tế suy thoái hiện nay đang tăng sức ép lên các nhà quản lý tại TQ”. Khảo sát của EY cũng cho thấy những lãnh đạo doanh nghiệp tại Hong Kong sẽ ngại trình báo về các tội danh tham nhũng, hối lộ và gian lận tài chính hơn nhằm bảo vệ công ty và đồng nghiệp của họ. Có 30% những người tham gia khảo sát tại Hong Kong tin rằng sự trung thành với công ty và đồng nghiệp quan trọng hơn việc trình báo các hoạt động trái pháp luật.
Một nghiên cứu năm 2015 của ĐH Cambridge, có sự phối hợp của học giả Mỹ và TQ, cho thấy: Những doanh nhân TQ khi đàm phán có khả năng sử dụng các thủ thuật vi phạm đạo đức kinh doanh cao hơn người Mỹ, bất kể đối tác mà họ đàm phán là trong hay ngoài nước. Những thủ thuật này có thể là sử dụng gián điệp kinh tế, đưa thông tin sai lệch hoặc tìm cách khiến đối tác đàm phán bị sa thải, tờ Financial Times cho biết.
Lớn lên trong những “chiếc hộp”
Một bài xã luận đăng trên tờ South China Morning Post (SCMP - Hong Kong) được viết bởi bà Stephanie Cheung, tốt nghiệp Trường Khoa học quản lý ĐH Yale, đã chỉ ra một số lý do vì sao TQ vẫn chưa có được một thế hệ các CEO tầm cỡ quốc tế, có khả năng lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu. Bà Cheung cho rằng nguyên do chính là cách thức đào tạo và nuôi dưỡng các thế hệ trẻ.
Hệ thống giáo dục trọng thi cử của TQ nhấn mạnh về lý thuyết hơn là các kỹ năng giải quyết vấn đề. Để có được chiếc vé vào đại học, những người trẻ chỉ có một con đường là vượt qua kỳ thi đầu vào giáo dục cấp cao toàn quốc (Gaokao). Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời của các học sinh, những bài tập được đưa ra chủ yếu mang tính ghi nhớ thông tin và dữ liệu. Các lớp học cũng không khuyến khích sự tự do bày tỏ ý kiến, mà lại khuyến khích khả năng nhớ chính xác các kiến thức và thông tin “trong chiếc hộp” được xây dựng sẵn.
Ngoài “chiếc hộp” về tri thức, những thế hệ trẻ TQ còn bị gò bó trong “chiếc hộp” về văn hóa với sự che chở quá kỹ của gia đình và văn hóa đơn điệu. Chính sách một con trước kia còn khiến các vấn đề này trở nên trầm trọng hơn. Trong khi đó, trẻ em của những quốc gia sản sinh ra nhiều lãnh đạo kinh tế tầm cỡ quốc tế được tiếp xúc với nhiều yếu tố văn hóa đa dạng, như Ấn Độ và Singapore.
Phải có tinh thần phục vụ bình đẳng Ông Bill George, GS Trường kinh doanh của ĐH Harvard và là cựu CEO Tập đoàn Medtronic, cho rằng bên cạnh chỉ số thông minh (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ) thì các thế hệ tương lai còn cần phải phát triển chỉ số toàn cầu (GQ). Chỉ số này bao gồm bảy kỹ năng chính: thích nghi, nhận thức vấn đề, tò mò, đồng cảm, hợp tác, hội nhập và tìm kiếm sự đồng thuận chung. Ông George nhận định: “Những nhà lãnh đạo toàn cầu đều sẽ nhận thức rõ rằng kinh doanh chỉ có thể phát triển khi phục vụ mọi người trên thế giới một cách bình đẳng, đồng thời lại đóng góp được cho xã hội của họ”. |