2 luồng quan điểm trong cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi

(PLO)- Đại biểu và các chuyên gia nêu hai luồng quan điểm trong việc bổ sung đối tượng cấp CCCD là trẻ dưới 14 tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-4, Ủy ban Quốc phòng và An ninh có báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật CCCD (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thường trực cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo luật do Chính phủ trình.

Cân nhắc việc bổ sung đối tượng cấp CCCD là trẻ em

Tại báo cáo này, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp tục làm rõ hơn một số vấn đề. Đáng chú ý, về đối tượng áp dụng, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung đối tượng cấp CCCD là trẻ dưới 14 tuổi.

Ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định rõ hơn trình tự, thủ tục và việc quản lý, sử dụng CCCD cấp cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm tính hiệu quả, nhất là việc sử dụng trong các giao dịch hành chính, kinh tế, dân sự khi những người này chưa bảo đảm đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Ý kiến này cũng đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo, làm rõ hơn các lợi ích về kinh tế - xã hội khi thực hiện cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi và chi phí Nhà nước phải đầu tư.

Nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá kỹ sự cần thiết của việc cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi, bởi các giao dịch ở độ tuổi này đều thông qua người giám hộ. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá kỹ sự cần thiết của việc cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi, bởi các giao dịch ở độ tuổi này đều thông qua người giám hộ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trước đó, thẩm định dự án luật này, Bộ Tư pháp lưu ý khoản 1 Điều 24 của dự thảo quy định trình tự, thủ tục cấp CCCD đối với người dưới 14 tuổi, tuy nhiên do người dưới 14 tuổi cấp theo yêu cầu, đồng thời đối tượng này cũng không thể tự mình yêu cầu cấp CCCD mà cần thực hiện thông qua cha, mẹ hoặc người đại diện.

Do vậy, Bộ Tư pháp đề nghị chỉ quy định trình tự, thủ tục cấp, đổi, cấp lại đối với công dân từ 14 tuổi trở lên. Đối với người dưới 14 tuổi cấp theo yêu cầu thì có quy định xử lý riêng và có các yêu cầu/điều kiện cấp cho người dưới 14 tuổi theo yêu cầu khác với quy trình thông thường. Ngoài ra, theo cơ quan chủ trì thẩm định, dự thảo luật cũng chưa quy định chặt chẽ về trách nhiệm, việc sử dụng CCCD... đối với người dưới 14 tuổi.

Các chuyên gia: Không nhất thiết mở rộng đối tượng

TS Nguyễn Văn Tiến (ĐH Luật TP.HCM) cho rằng cần đánh giá thật kỹ tác động của quy định này, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần đánh giá đầy đủ tính cấp thiết và nhu cầu cấp CCCD cho đối tượng này, tránh gây ra những xung đột về pháp luật, đảm bảo tính ổn định của văn bản luật.

Theo TS Tiến, trẻ em ở độ tuổi dưới 14 không tự mình hoặc không được phép tham gia các giao dịch mà thường thông qua cha, mẹ hoặc người giám hộ. Do đó, nên cân nhắc để tránh gây lãng phí hoặc phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.

“Hiện nay, việc cần làm là ổn định CCCD, hoàn thiện, khai thác, chia sẻ phần mềm quản lý dân cư chứ không nhất thiết phải mở rộng đối tượng cấp CCCD” - TS Tiến nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM, đánh giá đây là vấn đề mới, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân nên cần rà soát, đánh giá, đối chiếu với các quy định hiện hành. Đồng thời phải giải thích để làm sao cho người dân thấy được sự cần thiết, lợi ích của việc cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi. Bởi hiện nay, một người ngay từ khi sinh ra đã được cấp mã số định danh và Nhà nước quản lý thông tin của họ bằng chính mã số định danh này.

Trước đó, tại hội thảo góp ý dự án Luật CCCD (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức vào chiều 12-4, ông Dương Văn Thuận, đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM, đặt vấn đề trẻ em dưới sáu tuổi khi đi máy bay chỉ cần cầm CCCD thôi hay phải cần giấy khai sinh để xác định thân nhân. Ông đề nghị dự thảo luật làm rõ mục đích cấp CCCD cho trẻ dưới sáu tuổi là gì, liệu có gây lãng phí hay không?

Dễ bị kẻ xấu lợi dụng

Nêu ý kiến về việc này, chị Hồ Thị Trường (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng việc cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi là không cần thiết. “Ở độ tuổi này các cháu vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng trong quản lý CCCD, các cháu có thể sẽ sử dụng để mua sắm trên các sàn giao dịch điện tử…, như vậy rất dễ bị lộ thông tin và bị kẻ xấu lợi dụng” - chị Trường lo ngại.

Bà Nguyễn Thị Thiêm (công chức, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng nhìn nhận việc cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi là chưa phù hợp. Theo bà, đây là độ tuổi trẻ đang phát triển và trong quá trình hoàn thiện, ngoại hình lẫn dấu vân tay của trẻ thay đổi nhiều, do đó rất khó để có được sự chuẩn xác. “Trẻ em chưa có hiểu biết đầy đủ cũng như chưa thể tự mình thực hiện các giao dịch dân sự nên việc cấp CCCD cho trẻ trong độ tuổi này khá lãng phí” - bà Thiêm nói.

Còn theo chị Nguyễn Thị Mai (chuyên gia tư vấn, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), việc cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi sẽ giúp quản lý trẻ dễ dàng hơn. Nếu gặp vấn đề gì thì CCCD cũng là một cách giúp liên lạc và tìm thấy trẻ dễ dàng hơn, đặc biệt là khi trẻ nhỏ đi lạc…

VÕ THƠ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm