Để chuẩn bị công tác bàn giao và vận hành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho chính quyền Hà Nội, chiều 4-11, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về kế hoạch vận hành tuyến đường sắt này.
Tại đây, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết ngay khi tiếp nhận dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào lúc 7 giờ ngày 6-11, TP Hà Nội sẽ đưa tàu vào vận hành, khai thác ngay.
Miễn phí vé đi tàu 15 ngày đầu
Theo ông Tuấn, đây là giai đoạn hai của dự án, giao đoạn này thường kéo dài 1 năm đến 3 năm. Tuy nhiên, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, Bộ GTVT và TP Hà Nội thống nhất giai đoạn này chỉ kéo dài trong một năm.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: V.LONG
Sau đó, tư vấn đánh giá, nếu đủ điều kiện sẽ chuyển sang giai đoạn 3 là khai thác vận hành bền vững. “Nên giai đoạn hai rất quan trọng để tạo sự nhuần nhuyễn của các nhân sự trong quy trình vận hành và đảm bảo dự án hoạt động hiệu quả trong tương lai”- ông Tuấn cho hay.
Thời gian đầu, tàu hoạt động từ 5 giờ đến 23 giờ các ngày trong tuần. Trong đó, sáu tháng đầu tiên có 3 đoàn tàu chạy liên tục trên tuyến, với thời gian 10 phút/chuyến. Sáu tháng sau nâng lên 9 đoàn tàu và thời gian vào ga rút ngắn xuống 6 phút/chuyến.
“Tuy nhiên, chúng tôi sẽ căn cứ vào lưu lượng hành khách đi tàu để điều chỉnh biểu đồ chạy tàu phù hợp với từng thời điểm… Nếu nhu cầu hành khách cao chúng tôi sẽ tăng tàu và ngược lại”- ông Tuấn cho hay.
Còn theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), thành phố sẽ miễn phí 15 ngày đầu chạy tàu cho tất cả hành khách, trước khi khai thác thương mại. Giá vé được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến, thấp nhất 8.000 đồng nếu di chuyển quãng ngắn nhất.
Vé ngày có mức giá là 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Người lao động mua vé tháng theo hình thức tập thể (doanh nghiệp, công sở…), được áp dụng mức 140.000 đồng/người. Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn phí vé đi tàu.
Dự án Cát Linh - Hà Đông có nhiều bài học...
Trả lờiPLO về vấn đề trả nợ vốn vay cho Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết tới đây Hà Nội sẽ nhận lại khoản nợ và bố trí vốn để trả lãi và gốc, trên tổng số số tiền vay là 99 triệu USD.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có nhiều bài học kinh nghiệm, từ công tác chuẩn bị đầu tư dự án cho đến quá trình triển khai.
Ngoài ra, tiêu chuẩn thiết kế của Việt Nam về đường sắt đô thị chưa có. Trong khi thực hiện, khung tiêu chuẩn của dự án được áp dụng theo tiêu chuẩn Trung Quốc, nước này lại dựa theo quy chuẩn châu Âu. Tuy nhiên, giữa các tiêu chuẩn cũng chưa đồng bộ, phía Trung Quốc vẫn trong quá trình biên soạn, bổ sung hoàn thiện từ năm 2013 đến 2018. Việc chưa đồng bộ ngay từ đầu có thể là bài học rút ra sau này, để tránh mất nhiều thời gian…
Trong tương lai, dự án lớn phải tách riêng công tác giải phóng mặt bằng và thi công. Có mặt bằng dự án mới triển khai sẽ đẩy nhanh tốc độ, hiệu quả. “Đây là dự án đầu tiên, thí điểm nên có những cái ta chưa biết, vừa làm vừa dò, nên có nhiều bài học cần rút ra. Nên dự án kéo dài thời gian là dễ xảy ra”- ông Đông thừa nhận.
Về trách nhiệm các cơ quan, Bộ GTVT cho biết đã báo cáo trách nhiệm chung thuộc về chủ đầu tư, giải phóng mặt bằng thuộc Hà Nội. Hiện bộ vẫn tiếp tục phân tích, đánh giá trách nhiệm cụ thể các cơ quan, đơn vị liên quan và xử lý theo quy định.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13 km, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở tối đa 1.326 người, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/giờ. Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc. |