Đã hết hạn tạm giữ hình sự 9 ngày, 3 cựu công an 'bắn nhầm' dê của dân sẽ ra sao?

(PLO)- Trong vụ 3 công an bắn dê của dân, khi đã hết thời hạn tạm giữ hình sự (tối đa là chín ngày), nếu có căn cứ thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can, nếu không đủ căn cứ thì 3 cựu công an sẽ được trả tự do.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã đưa tin, ngày 27-6, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội trộm cắp tài sản; ra quyết định tạm giữ hình sự đối với ba cán bộ công an gồm: Nguyễn Văn Nhân, Bùi Đình Việt và Bùi Tiến Tùng để tiến hành điều tra, xử lý.

Đồng thời, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân.

Tính đến nay, thời hạn tạm giữ hình sự 3 cựu công an đã đủ 9 ngày. Vậy các khả năng pháp lý của 3 cựu công an sau khi hết thời hạn tạm giữ hình sự sẽ ra sao?

Trao đổi với PLO, Luật sư Đỗ Thanh Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết tạm giữ là biện pháp áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

Hình ảnh dê bị bắn lấy từ trong ô tô. Ảnh: CTV

Hình ảnh dê bị bắn lấy từ trong ô tô. Ảnh: CTV

Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, thời hạn tạm giữ là không quá ba ngày kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá ba ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày.

Lưu ý, mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được VKS cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền phê chuẩn.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, ba cựu công an bị bắt quả tang và theo quy định có thể bị tạm giữ tối đa chín ngày. Sau khi hết thời hạn tạm giữ sẽ có hai khả năng xảy ra.

Thứ nhất, trường hợp nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì cơ quan điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì VKS phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Thứ hai, nếu có đủ căn cứ xác định người bị tạm giữ thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra thực hiện khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn phù hợp (có thể áp ra lệnh tạm giam hoặc lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc biện pháp ngăn chặn khác).

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP, trong trường hợp khởi tố bị can thì chậm nhất trước khi hết thời hạn tạm giữ hoặc gia hạn tạm giữ 24 giờ, cơ quan điều tra phải chuyển hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can cho VKS cùng cấp. Thời hạn xét phê chuẩn khởi tố bị can đối với người đang bị tạm giữ của VKS không quá thời hạn tạm giữ hoặc gia hạn tạm giữ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm