Ngày 11-4, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng (Ban chỉ đạo) đã có những đánh giá ban đầu về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thời gian qua.
Trước đó, BN135 mắc COVID-19 trên cả nước và là trường hợp cuối cùng tại Đà Nẵng đã xuất viện. 45 y, bác sĩ trực tiếp tham gia công tác chữa trị cho các bệnh nhân đã được nghỉ ngơi và thực hiện cách ly 14 ngày tại khách sạn do TP bố trí.
17 ngày qua, Đà Nẵng không có số ca lây nhiễm mới. Tình hình dịch trên địa bàn cơ bản được kiểm soát tốt.
Thời gian qua, TP cũng đã nhận được sự đóng góp, chia sẻ của nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn với tổng số tiền hơn 5,7 tỉ đồng, 20 tấn gạo và nhiều hàng hóa khác.
Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho một du khách nước ngoài tại điểm chốt ra vào TP Đà Nẵng. Ảnh: T.AN
Về công tác giám sát, cách ly, Ban chỉ đạo cho biết tính đến 10-4, 244 trường hợp đến từ các địa phương có ca bệnh lây lan thứ phát tại cộng đồng (Hà Nội, TP.HCM) đang được cách ly. Trong đó cách ly tại nhà 184 người, cách ly tập trung 42 người, cách ly tại nhà 18 người có liên quan đến BV Bạch Mai. Tất cả các trường hợp cách ly đều được thực hiện theo đúng quy định, được các đơn vị quân đội, ngành y tế và các sở, ngành địa phương liên quan phục vụ chu đáo.
Đặc biệt Đà Nẵng không thu tiền cách ly đối với bất cứ trường hợp nào.
Ngoài ra, 543 trường hợp nhập cảnh từ 8-3 đến 28-3 đều được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính. Đà Nẵng cũng đã kiểm soát gần 44.000 hành khách qua các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào TP và phát hiện 74 trường hợp thuộc diện phải cách ly y tế.
UBND các quận, huyện đã xử lý 453 trường hợp vi phạm, bao gồm trốn cách ly y tế, tập trung đông người, không đeo khẩu trang khi ra đường, hàng quán kinh doanh không chấp hành quy định, buôn bán hàng rong… Tổng số tiền phạt hơn 300 triệu đồng.
Từ ngày 21-1 đến nay, Công an TP phát hiện, mời làm việc 31 trường hợp đăng tin trên mạng xã hội sai sự thật, ra quyết định xử phạt 13 trường hợp với tổng số tiền trên 140 triệu đồng.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của trung ương và các biện pháp cụ thể của TP với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Cạnh đó xem xét, điều chỉnh kịp thời các vướng mắc để phù hợp với yêu cầu của Chính phủ và tình hình thực tiễn của địa phương, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn TP.
Các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin chính xác, kịp thời để người dân TP và các địa phương khác hiểu, tự giác chấp hành nghiêm các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch. Ban chỉ đạo đề nghị kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch. Nghiên cứu đề xuất và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ người lao động, các đối tượng chính sách, xã hội, nhất là người nghèo, người khó khăn do dịch bệnh theo đúng nghị quyết của Chính phủ và phù hợp với đặc điểm, tình hình của TP.
Ban chỉ đạo cũng giao Sở Y tế khẩn trương rà soát, đề xuất các giải pháp thực hiện kiểm soát trên diện rộng để phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Lưu ý sự chủ động, nguyện vọng muốn xét nghiệm sớm của người dân.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT bám sát chỉ đạo của Bộ để kịp thời đề xuất UBND TP triển khai các biện pháp dạy và học phù hợp với tình hình.