Ngày đầu đi chợ hộ: Siêu thị sẵn sàng nhưng còn gặp khó

Nhằm hạn chế việc ra khỏi nhà, UBND TP.HCM đã yêu cầu từ hôm qua (23-8), tất cả hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ”. Đồng thời, UBND TP.HCM cũng yêu cầu các hệ thống phân phối ưu tiên các giải pháp bán hàng trực tuyến, bán hàng đăng ký trước và bán hàng theo combo...

Việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân từ siêu thị được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ”. Ảnh: TÚ UYÊN

Siêu thị nơi mở cửa, nơi đóng

Ngày 23-8, khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy có siêu thị (ST) đóng cửa, có ST mở nhưng không phục vụ trực tiếp người dân đến mua sắm. Một số cửa hàng tiện lợi như Vinmart+, Bách Hóa Xanh chỉ phục vụ cho người dân thuộc phường nơi trú đóng và chỉ bán qua online.

Chẳng hạn, tại Lotte Mart quận Tân Bình có một số tài xế Grab đến mua hàng nhưng ST đã tạm ngưng hoạt động. Tương tự, ST Co.opmart Hoàng Văn Thụ đóng cửa, thông báo tạm ngưng đón khách từ ngày 23-8 cho đến khi có thông báo mới.

Đại diện ST Emart Việt Nam cũng xác nhận Emart Gò Vấp tạm ngưng hoạt động từ ngày 23-8 cho đến khi có chủ trương mới. Trong khi đó, ST Tops Market (quận Tân Phú) thông báo chỉ phục vụ cho khách hàng có phiếu mua hàng được cấp bởi phường Tân Thành và lưu ý khách đi đúng ngày.

Đáng chú ý, các ST như Bách Hóa Xanh khu vực Gò Vấp lập ra các nhóm chat trên ứng dụng Zalo để người dân dễ dàng lên đơn đặt hàng, từ đó liên kết với chính quyền địa phương để tổ chức đi chợ giúp dân. Hệ thống này cũng đưa ra các danh sách combo để thuận tiện cho việc mua sắm của người dân và nhóm người “đi chợ hộ”.

Thực hiện “ba tại chỗ” để cung ứng thực phẩm

Đại diện ST Aeon Việt Nam thông tin: ST Aeon khu vực TP.HCM sẽ tạm ngưng các kênh bán hàng trực tuyến kể từ ngày 23-8. Tuy nhiên, hiện các ST Aeon vẫn nhập số lượng hàng như bình thường để dự trữ phục vụ người dân trong những ngày sắp tới.

Riêng tại ST Aeon Tân Phú, đơn vị này đang làm việc với hai phường Sơn Kỳ và Tân Quý (quận Tân Phú) để chuẩn bị hàng hóa theo các đơn đặt hàng của từng tổ dân phố hoặc phường theo tần suất và khu vực quy định. Danh sách các combo hàng hóa dựa trên nhu cầu cơ bản của người dân, đảm bảo đầy đủ thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ dùng sát khuẩn… sử dụng trong hai tuần.

Đại diện Satra cũng thông tin đơn vị luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng trong những ngày giãn cách. Theo đó, ba ST Satramart, hơn 100 cửa hàng Satrafoods tại TP.HCM vẫn mở cửa hoạt động từ 7 giờ đến 16 giờ 30 hằng ngày, thực hiện kinh doanh “ba tại chỗ”.

Đồng thời, hệ thống bán lẻ Satra kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân theo hình thúc “đi chợ hộ” của tổ COVID-19 cộng đồng. Song song đó, hệ thống bán lẻ này chủ động áp dụng phương thức bán hàng thiết yếu đặt trước hoặc chuẩn bị sẵn dưới dạng combo hay đơn hàng theo yêu cầu nhằm giúp người dân yên tâm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho biết hiện tập đoàn đã làm việc với chính quyền địa phương về phương án đặt hàng, giao hàng cho người dân tại địa phương.

Các sàn thương mại, ứng dụng đã sẵn sàng

Đại diện Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) khẳng định đơn vị này đang đề xuất với Sở Công Thương TP.HCM phương án để phối hợp cùng các lực lượng chức năng liên quan cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Cụ thể, đơn vị này đã chuẩn bị sẵn nguồn lực và phương án triển khai dịch vụ “đi chợ hộ” có thể kích hoạt ngay.

“Chúng tôi có hơn 1.000 nhân viên giao hàng đã được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 và được sàng lọc xét nghiệm định kỳ ba ngày/lần. Cùng với đó, chúng tôi có hơn 60 xe vận tải chạy trên luồng xanh và sở hữu kinh nghiệm triển khai dịch vụ “đi chợ hộ” tại 11 tỉnh, thành trên cả nước từ đầu tháng 8. Vì vậy, chúng tôi có thể cung ứng 150 tấn hàng mỗi ngày cho người dân tại TP.HCM” - đại diện Viettel Post khẳng định.

Trước đó, dịch vụ “đi chợ hộ” của Viettel Post đã cung ứng hơn 100.000 đơn hàng trên cả nước, ước tính tổng khối lượng hàng hóa đạt hơn 500 tấn.

Phía ShopeeFood (tên mới của ứng dụng Now) cho biết dịch vụ mua thực phẩm và giao hàng của hãng vẫn hoạt động nội quận tại TP.HCM để giao các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ người tiêu dùng. Cụ thể, tại các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, ShopeeFood sẽ tạm ngưng mọi dịch vụ từ ngày 23-8 và sẽ mở lại khi có thông báo mới từ cơ quan chức năng.

Còn tại các quận, huyện còn lại như quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, tính năng mua thực phẩm và giao hàng vẫn được thực hiện bình thường. Các tài xế của hãng sẽ vẫn giao nhận hàng hóa thiết yếu trong cùng quận theo quy định.

Tuy nhiên, đại diện ShopeeFood nêu rõ: Các tài xế sẽ có quyền từ chối giao hàng nếu sản phẩm không phải là hàng hóa thiết yếu. “Việc tạm ngưng dịch vụ tại một số quận, huyện trong khoảng thời gian này có thể sẽ đem lại những bất tiện nhất định cho người dùng. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng quyết định này sẽ góp phần chung tay cùng cộng đồng và Nhà nước đẩy lùi dịch bệnh” - đại diện ứng dụng ShopeeFood nêu.

Ứng dụng này cũng thừa nhận do nhu cầu đặt hàng đang tăng cao nên việc tìm kiếm, điều phối tài xế gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian chờ đợi, do đó rất mong khách hàng thông cảm.

Các ứng dụng như Grab Việt Nam, Be, Gojek Việt Nam… cũng cho biết vẫn tiếp tục giao hàng thiết yếu và “đi chợ hộ” trên địa bàn được phép hoạt động. Thời gian nhận đơn hàng từ 6 giờ đến 17 giờ để tài xế kịp quay về nhà trước 18 giờ theo đúng quy định.•

Các ứng dụng cho biết vẫn tiếp tục giao hàng thiết yếu và “đi chợ hộ” trên địa bàn được phép hoạt động. Ảnh: THU HÀ

 

Siêu thị lúng túng vì chưa có hướng dẫn cụ thể

UBND TP.HCM đã yêu cầu các hệ thống phân phối chủ động phối hợp với từng tổ hậu cần phường, xã, thị trấn nắm bắt thông tin, chủng loại giỏ hàng, chủng hàng của từng khu vực, điều phối, chuẩn bị giỏ hàng hóa kịp thời cung ứng cho người dân. Ước tính nhu cầu tiêu dùng bình quân một ngày khoảng 9,4 triệu dân TP.HCM là gần 11.000 tấn thực phẩm các loại.

Tuy vậy, một số ST thừa nhận vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về phương thức hoạt động cũng như cách thức phân phối hàng hóa cho người dân theo hình thức mua hộ. Đơn cử như thời gian nhận đặt hàng, giao hàng, vận chuyển, phương thức thanh toán… ra sao vẫn chưa rõ. Vì vậy, họ mong cơ quan chức năng cần có hướng dẫn ngay để ST chủ động lên kế hoạch thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều ST cho biết mẫu giấy đi đường cho nhân viên, xe chở hàng trong giai đoạn TP.HCM siết chặt giãn cách hiện nay vẫn chưa được sở, ngành liên quan cấp đầy đủ. Do đó, một số nhân viên ST còn gặp khó khăn khi đi qua các chốt kiểm soát. Thậm chí. có nhân viên của các ST phải quay về nhà vì không được qua chốt.

Những vướng mắc này dẫn đến việc vận chuyển gặp khó khăn, không đủ nguồn nhân lực để vận hành, không kịp vận chuyển hàng đến điểm bán.

Thí điểm cung cấp 80.000 túi nông sản mỗi tuần cho TP.HCM

Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT cho biết đang thí điểm gói combo 10 kg/túi nông sản, được nhiều tỉnh, thành tham gia. Mục tiêu của chương trình này nhằm giúp nông dân tiêu thụ được nông sản đang ùn ứ và giúp người tiêu dùng tại các khu cách ly, khu nhà trọ công nhân tiếp cận được nông sản tươi giá rẻ, bình quân 10.000 đồng/kg.

Chương trình này cũng tạo ra nền kinh tế tuần hoàn (lấy thu bù chi). Qua đó nhằm tận dụng nguồn vốn của xã hội để thích ứng lâu dài với ảnh hưởng của dịch COVID-19, tính bền vững cao hơn các ST 0 đồng hay quà từ thiện vì không cần tìm nhà tài trợ lâu dài.

Theo số liệu đăng ký từ các tỉnh, khả năng cung cấp về TP.HCM 80.000 túi/tuần (10 kg/túi = 800 tấn/tuần). Nếu có hỗ trợ vận chuyển thì khả năng cung cấp có thể tăng lên 120.000-150.000 túi/tuần. QH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm