Sáng qua, thầy đã quát một phụ huynh!

(PLO)- Thầy nổi giận! Thầy bảo: “Này chị, con nó lớn rồi, 24 tuổi rồi mà chị. Sao chị đối xử như vậy với nó? Nó là một chiến sĩ cảnh sát kia mà, nó to lớn, rắn rỏi thế kia, nó không còn là thằng bé cách đây sáu năm nữa".

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lời tòa soạn: Ai có mặt trên cõi đời này cũng mong trở thành một người hạnh phúc, được là chính mình, được phát huy hết khả năng của mình. Trên hành trình đó có sự góp sức định hướng đúng của cha mẹ, thầy cô...PLO xin giới thiệu đến độc giả một bài tự sự của Thầy giáo Võ Anh Triết (giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM) ghi lại câu chuyện trưởng thành với nhiều cảm xúc của cậu học trò, hiện giờ là một sĩ quan an ninh của Công an TP.HCM.

Sáng qua chị đưa con trai đến. Sau sáu năm kể từ khi rời khỏi lớp, thằng bé vẫn thế. Nó vẫn nhút nhát, vẫn theo sau lưng mẹ, vẫn lấm lét nhìn thầy, vẫn trả lời thầy lí nhí. Cái khác là thằng bé đã to lớn hơn nhiều so với ngày còn học lớp 11, da đen nhẻm, trông rất sương gió.

thầy 4.jpeg
Ảnh minh hoạ: AI

Xin cho con luyện thi đại học

Chị đưa con đến, xin cho con luyện thi đại học để thi vào Đại học An Ninh. Chị bảo: “Thằng bé đang đi nghĩa vụ công an, đang đóng quân ở Bình Dương, xin thầy khi nào rảnh được thì vào lớp”.

Chị dừng cuộc trò chuyện, quát con ngồi thẳng lưng lên, rồi chị bảo phải thi vào An Ninh rồi chị sẽ lo được việc làm khi ra trường, còn học gì khác thì ra trường chị không lo được. Thằng bé ngồi im lặng, vai cao hơn đầu thầy, mắt nhìn xa tít.

Cuối năm lớp 11, thằng bé nghỉ học với thầy vì kẹt giờ ở trường Trương Vĩnh Ký, rồi cuối năm đó chị gọi báo tin thằng bé đi Mỹ du học. Khi ấy mình hỏi chị nghĩ kỹ chưa, một đứa như thằng bé thì đi du học có lẽ không phải là lựa chọn tốt. Nó hơi chậm với bạn bè, một cách rất tự nhiên như khi chạy đua thì có kẻ nhanh người chậm.

Rồi hai năm sau, trên Facebook lại thấy thằng bé về nước, thấy nó mặc áo lính, lúc đó mình nghĩ thầm phải chi ngày xưa chị nghĩ kỹ hơn.

Đang nói chuyện, có điện thoại reo, chị bước ra ngoài nghe máy, trước khi đi, chị quắc mắt nhìn thằng bé, bảo nói cho thầy nghe muốn gì, liệu mà nói to lên. Chị ra ngoài, thầy kéo ghế lại gần nó, thầy vỗ tấm lưng to bản của nó, bảo nó kể thầy nghe.

Trong lúc mẹ ra ngoài, thằng bé tiết lộ cho thầy biết là hai năm trước, khi từ Mỹ về (vì nó không thích sống bên đó, vì nó học khó quá nên không hiểu, vì nó không có bạn bè), nó tự ôn, tự bỏ tiền túi, thi vào Cao Đẳng Sư Phạm tiếng Anh. Nó đậu, muốn đi học, nhưng mẹ nó không muốn, mẹ nó bắt nó bảo lưu, mẹ nó bắt nó đi nghĩa vụ công an, mẹ nó bảo đi dạy thì làm sao sống, đi nghĩa vụ công an, rồi thi vào An Ninh, rồi mẹ lo việc làm, cho sống tốt.

thầy 1.jpeg
Ảnh minh hoạ: AI

Mẹ nó là một sĩ quan công an về hưu! Nó bảo nó đen nhẻm như thế là do suốt thời gian qua phơi nắng tập diễu binh, và nó vừa tham gia diễu binh đợt 30-4 vừa rồi trong lực lượng cảnh vệ.

Mẹ thằng bé quay vào, tiếp tục than thở rằng nó chẳng làm được gì, rằng nó là gánh nặng, rằng nó là nỗi lo. Thỉnh thoảng chị lại nhắc chuyện ngày xưa nó mê game, thỉnh thoảng lại nhắc nó ngồi thẳng lưng.

Thằng bé ngồi nhìn ra cửa, khuôn mặt thẫn thờ không cảm xúc, không phản ứng với những gì mẹ nói...

Thầy nổi giận! Thầy bảo: “Này chị, con nó lớn rồi, 24 tuổi rồi mà chị. Sao chị đối xử như vậy với nó? Nó là một chiến sĩ cảnh sát kia mà, nó to lớn, rắn rỏi thế kia, nó không còn là thằng bé cách đây sáu năm nữa.

Nó đậu sư phạm, chị không cho đi học, chị bảo rằng đi dạy thì được gì, thế nó làm công an thì được gì. Hiền, thậm chí là chậm chạp như nó, thì có thành công không khi làm công an, nó có ngủ yên giấc không, nó có hạnh phúc không. Nó đờ đẫn như hôm nay là do chị, chị xoay nó đủ chiều, chị bắt nó làm theo ý chị.

Giờ chị giàu có, có nhà cao cửa rộng thì chị hãy để nó làm điều yêu thích đi. Nó có thể không là thầy giáo giỏi, nhưng chắc chắn nó sẽ là một thầy giáo đàng hoàng, có trách nhiệm. Rồi sau này nhà cửa chị cũng cho nó, nó không lo cuộc sống áo cơm nhiều, nó sẽ tận tụy với công việc. Chị bảo chị không để nhà cho nó, thầy hỏi vậy chị chết rồi chị để nhà cho ai?".

Chị im lặng. Thầy chưa hết giận, thầy nghe hơi thở mình gấp gáp. Thầy bảo con là một thanh niên, một chiến sĩ rồi, sao chị cứ bắt con sống như một con rối trong tay chị. Chị hãy để con sống, có cơ hội thì con mới chứng tỏ được. Chị phải chấm dứt cư xử với con như thế.

Thầy quay sang thằng bé, mặt nó có chút tươi hơn, có lẽ vì nó được bảo vệ, có lẽ vì nó là cảnh vệ nhưng nó chẳng bảo vệ được chính mình. Thầy bảo con hãy hoàn tất nghĩa vụ, rồi về đi học, học xong thì ba lô lên vai đi dạy theo nhiệm vụ được phân công, xa đâu cũng được.

Cứ yên tâm làm việc tận tụy, cứ yên tâm cống hiến, yêu thương học trò, rồi con sẽ thành công thôi. Mẹ sẽ cư xử khác với con, con đừng lo, nhưng con phải nói nhiều hơn chút, con phải nhanh lên một chút, để mẹ thấy rằng con trưởng thành. Mẹ làm thế cũng vì thương con. Thằng bé nở nụ cười hiếm hoi, gật đầu. Thầy nhìn người mẹ, khuôn mặt chị dãn ra, tươi tắn lên một chút.

Thầy bảo vậy nhé, rồi thầy cho chàng trai ấy bộ sách luyện thi để đem vào doanh trại mà đọc khi rảnh, chuẩn bị khi rời quân ngũ là đi thẳng vào học tập. Không chờ thêm nữa, con đã mất sáu năm rồi.

Thầy tiễn hai mẹ con ra cửa. Thầy đi trước, chị đi sau. Thầy thấy chị đặt hai tay lên vai thầy bóp nhẹ, cùng tiếng nói nhẹ như gió rằng chị cảm ơn thầy. Ra cửa chàng trai quay xe, đội nón bảo hiểm, đưa nón cho mẹ, đưa áo khoác cho mẹ, chào thầy con về. Hình ảnh cuối thầy nhìn thấy là hai nụ cười trên khuôn mặt hai mẹ con.

Thầy vui! Chúc chàng trai của thầy sẽ thành công, dù chậm hơn bạn bè đôi chút. Xin lỗi chị vì hôm qua thầy đã quát chị, chị nhé!

Một ngày sau

Trước giờ vào ca hai, thầy nhận được điện thoại từ chị. Giọng chị vui tươi, háo hức lắm. Chị bảo hôm qua đến thăm thầy xong, hai mẹ con ra về vui vẻ lắm, chàng trai của chị cũng tươi tắn và năng nổ hẳn lên. Thầy nghe mà không tin vào tai mình nữa. Chẳng lẽ hắn nghe lời thầy đến thế sao?

Rồi chị bảo: “Thầy ơi! Cho con trai vào lớp học ba buổi tuần này, tuần sau nó trở về doanh trại”.

Thầy bảo học ba buổi thì được gì cơ chứ, vậy mà chị nằng nặc xin cho được, bảo rằng con trai chị một hai đòi đến lớp. Thầy nghe thế thì xiêu lòng.

Đến giờ vào lớp, thầy nhìn ra cửa, thấy hắn cao lêu nghêu, đang nói cười rôm rả với các em như bạn bè thân từ lâu lắm vậy.

Thầy bất ngờ lắm, thằng nhóc con khép nép khi đi, lí nhí khi nói của ngày hôm qua đâu rồi! Trước khi vào lớp, thầy lướt qua hắn, nói khẽ hôm nay học sách này con nhé. Vậy mà hắn trả lời ầm lên thưa thầy con biết rồi, miệng cười tươi như hoa vậy!

Hôm qua quát chị xong, chị và con trai về rồi, thầy nghĩ lại thấy mình liều thật, dám quát cả một trung tá công an như thế! Hôm nay thấy hắn tươi vui đến lớp, thầy ước gì mình đã quát chị sớm hơn!

Rõ ràng trên cuộc đời này, mỗi một lần ta thất bại, ta đều có thể đứng lên và làm lại từ đầu, miễn sao ta tin mình làm được. Và để làm lại từ đầu, ta cần một bàn tay nâng ta đứng dậy...

Một năm sau

Sáng nay, khi mọi người đọc đến những dòng này, thầy cũng vừa gọi điện cho mẹ hắn, và nhận được tin vui là trong kỳ thi năm ngoái hắn đã đậu vào trường Cao Đẳng An Ninh 2, đang là sinh viên năm nhất, và sẽ trở thành một cán bộ an ninh trong tương lai.

Nghe giọng chị vui tươi, bảo: “Vào trong ấy hắn học tiếng Anh nổi nhất đó thầy ạ. À mà thầy có sách gì thì gửi cho nó học với nhé!”.

Mừng cho hắn, đi học ở các trường công an và quân đội, hắn sẽ trở thành một chàng trai điềm tĩnh và mạnh mẽ. Không biết hắn có đọc được những dòng này hay không, vì thầy không có Facebook của hắn, nhưng thầy muốn nói rằng thầy rất mừng vui cho hắn, và cho cả mẹ hắn nữa...

Mười năm sau

Chị đã sang Mỹ sống cùng con gái. Nó đã trở thành một ông chồng, một ông bố hiền lành từ 5 năm trước. Nó hiện là một sĩ quan an ninh của Công an TP.HCM. Câu chuyện về nó khép lại một cách ấm áp nhất có thể khi thầy nghĩ về nó hôm nay, sáng chủ nhật 5-5-2024, trước khi thầy vào lớp.

Cuộc đời mà, ai cũng xứng đáng có thêm một cơ hội để tìm thấy bản thân mình, để có cuộc sống tốt đẹp hơn, để được hạnh phúc hơn. Con cái hạnh phúc là niềm ước ao của cha mẹ, dù trong suốt thời gian làm cha mẹ, ai cũng phạm sai lầm này hoặc kia, và đôi khi những sai lầm đó dằn vặt họ cả đời về sau…

Chị, tôi và chúng ta cũng đều là mẹ cha như bao nhiêu người khác…

vo-anh-triet.jpg
Thầy giáo Võ Anh Triết, giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM

Thầy giáo Võ Anh Triết có nhiều hoạt động vì cộng đồng, là tác giả bài thơ "Lần cuối cùng ta gặp những yêu thương" và nhiều bài viết khác trên PLO.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm