Quét sân, người dân ở TP Thủ Đức bắt được con ‘cù lần’ quý hiếm trên cây khế

(PLO)- Quét sân ở mảnh vườn rộng chừng 2000 m2 ở TP Thủ Đức, người phụ nữ phát hiện một con culi, hay còn gọi là con cù lần rất quý hiếm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-5, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM vừa tiếp nhận một cá thể culi do người dân trên địa bàn TP Thủ Đức tự nguyện giao.

Video: Quét sân, người dân ở TP Thủ Đức bắt được con ‘cù lần’ quý hiếm trên cây khế

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Trang (63 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP Thủ Đức) cho biết, ba hôm trước, trong lúc quét sân lúc khoảng 6 giờ sáng thì thấy một con gì “rất lạ, trông như con sóc, màu vàng vàng mà chậm chạp” neo mình trên cây khế.

Quét sân, người dân ở TP Thủ Đức bắt được con ‘cù lần’ quý hiếm trên cây khế
Con culi được gia đình bà Trang, ngụ TP Thủ Đức bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM. Ảnh: HT

Bà Trang cùng con trai đã dùng que củi, khều con vật vào lồng sắt rồi mang vào nhà. Qua tìm hiểu trên mạng, con trai bà Trang phát hiện đây là con culi, hay còn gọi là con cù lần, một động vật quý hiếm.

Gia đình sau đó chăm sóc, cho con culi uống nước, ăn trái cây như táo… rồi liên hệ cho kiểm lâm để bàn giao. “Con vật rất hiền lành dễ mến, gia đình bàn giao cho kiểm lâm với mong muốn nó được chăm sóc tốt, thả về tự nhiên để bảo tồn” – bà Trang nói.

Quét sân, người dân ở TP Thủ Đức bắt được con ‘cù lần’ quý hiếm trên cây khế
Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã tiếp nhận con culi đưa về chăm sóc, cứu hộ theo quy định. Ảnh: HT

Theo con trai bà Trang, gia đình ở trên mảnh đất chừng 2000 mét vuông, hai bên nhà đều là vườn cây tràm rộng cỡ chục công đất, cây cối um tùm. “Có thể con culi đã đi lạc từ đâu đó rồi vào nhà tôi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy con vật lạ vầy” – bà Trang tiếp.

Quét sân, người dân ở TP Thủ Đức bắt được con ‘cù lần’ quý hiếm trên cây khế
Con culi hay còn gọi là con "cù lần" là một loài động vật dễ mến, hiền lành. Ảnh: HT

Tiếp nhận, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM ghi nhận đây là con culi nhỏ, giới tính đực, nặng 0,3kg, tên khoa học là Nycticebus pygmaeus thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm.

Con culi, một loài động vật đặc biệt

Theo nhà nghiên cứu động vật rừng Phùng Mỹ Trung, ở Việt Nam có ba loài culi gồm culi lớn, culi nhỏ và culi nhỡ.

Đây là loài thú nhút nhát, sống ở trên cây, săn mồi ban đêm. Chúng có đôi mắt to giúp nhìn rất tốt vào ban đêm. Chỉ cần một chút ánh sáng từ các loài sâu phát sáng hay đom đóm cũng đủ để đôi mắt của culi khuếch đại được để nhìn xuyên đêm tối một cách rõ nét khi di chuyển, săn mồi.

Theo quan niệm của dân gian loài culi không dám ngẩng lên nhìn ban ngày vì chúng là loài nhút nhát và sợ hãi vì “mắc cỡ” nên chúng được gọi là con “cù lần”, hay con “mắc cỡ”. Do có mắt to, độ mở lớn nên ánh sáng ban ngày có thể khiến chúng “mù lòa” với ánh sáng trắng và nhìn không tốt như ban đêm.

Loài cu li thường dấu mắt vào phần trong cơ thể bằng cách cuộn tròn và tìm những nơi tối, có ít ánh sáng để ngủ ngày đêm mới thức dậy.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho thấy culi là loài có độc. Thành phần hóa học của chất độc được hình thành, tích tụ trong cơ thể được cấu thành bởi các thành phần chứa trong thức ăn của chúng gồm nhựa cây và côn trùng.

Chất độc của culi ngoài tác dụng bảo vệ chúng khỏi ký sinh trùng, còn dùng để phòng vệ chống lại kẻ thù. Phần độc này nằm ở phần trong của cánh tay trước, được tiết ra cùng mồ hôi và được culi liếm.

Khi culi cắn kẻ thù tự nhiên, chất độc sẽ theo tuyến nước bọt xâm nhập vào cơ thể và khiến đối phương cảm thấy đau đớn toàn thân. Ở người, chất độc này được đánh giá là gây phù nề nôn mửa, mất vài tuần để chữa lành ở người có thể trạng tốt và có để lại sẹo. Trong những trường hợp cực đoan, đối với một số người mẫn cảm với nọc độc này, vết cắn có thể bị sốc phản vệ, đôi khi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm