Việc đưa đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất được thực hiện tương đối tốt

(PLO)- Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Phan Công Bằng, sau khi TP.HCM làm việc và phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý thì việc đưa đón hành khách ở sân bay Tân Sơn Nhất được thực hiện tương đối tốt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-11, UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế- xã hội năm 2022; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước TP năm 2023.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM Phan Công Bằng cho biết, 10 tháng năm 2022, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP - đặc biệt là tại khu trung tâm tương đối phức tạp. Lý giải nguyên nhân của việc này, ông Bằng cho hay là do kinh tế - xã hội phục hồi và phát triển sau dịch COVID-19, lượng phương tiện đi lại tăng lên.

So với thời điểm năm 2021, số lượng xe đăng ký mới tại TP.HCM tăng 8%. Trong khi đó hạ tầng khu vực trung tâm gần như không có nhiều thay đổi. Mặc dù vậy lực lượng chức năng đã tăng cường nhiều giải pháp không để xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các khu vực này.

Ông Phan Công Bằng cũng thông tin, trong những tháng đầu năm 2022 tình hình ùn tắc ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tương đối phức tạp. Tuy nhiên, sau khi TP.HCM làm việc và phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý thì việc đưa đón hành khách ở sân bay được thực hiện tương đối tốt. Cùng với đó, lượng hành khách đi lại bằng xe buýt tăng lên đã góp phần giải quyết tình hình ùn tắc tại đây.

Thông tin về các dự án trọng điểm trên địa bàn, ông Bằng cho hay, tháng 7 vừa qua TP đã thông qua điều chỉnh 11 dự án giao thông kéo dài (do chi phí giải phóng mặt bằng tăng). Hiện, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đang làm việc để có thể sớm triển khai thi công lại 11 dự án này và đưa vào khai thác.

Đặc biệt trong năm 2022, TP.HCM và ba địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã phối hợp để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư của dự án Vành đai 3. Hiện nay, TP.HCM với vai trò đầu mối đang phối hợp với các địa phương để triển khai dự án này.

“Đến thời điểm này, TP đang cố gắng để có thể phê duyệt dự án thành phần 1, 2 trước 30-11” – Phó Giám đốc Sở GTVT TP nói và cho biết ngày 18-11 vừa qua, Sở đã làm việc với các địa phương và các đơn vị liên quan.

Theo đó, công tác thực hiện các dự án thành phần ở các địa phương đang chậm hơn so với TP. Sở GTVT đã báo cáo UBND TP để làm việc với các địa phương làm sao cho dự án được triển khai đồng thời với nhau. Bởi nếu TP làm nhanh mà địa phương làm chậm thì rất khó đồng bộ.

Liên quan đến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, ông Bằng cho hay Thủ tướng đã thành lập hội đồng thẩm định và hiện đang lấy ý kiến của TP. Do vậy ông mong Sở QH-KT hoàn thiện báo cáo để trình Chính phủ, sớm thông qua dự án này.

Trao đổi sau đó về các dự án trọng điểm của TP trong đó có dự án Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các quận, huyện, sở ngành có liên quan phối hợp với Sở QH-KT hoàn thiện hồ sơ nhằm đảm bảo tiến độ phê duyệt dự án ranh giải phóng mặt bằng và xây lắp vào 30-11.

Dự án vành đai 3 TP.HCM giai đoạn 1 dài hơn 76,34 km, có vốn đầu tư sơ bộ khoảng 75.378 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, tái định cư 41.589 tỉ đồng được đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương và địa phương. Dự án đi qua địa bàn bốn địa phương gồm TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

Dự án đầu tư tuyến chính cao tốc quy mô bốn làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Đường song hành được làm từ hai đến ba làn xe. Dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025, thông xe và sử dụng vào năm 2026, quyết toán 2027.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm