Viện, Tòa Cấp cao chỉ ra nhiều sai phạm trong án hành chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nửa đầu năm 2021, 99 vụ án hành chính tại các tỉnh, thành phía Nam bị cấp phúc thẩm tuyên hủy, sửa. Theo thống kê, TP.HCM có án hành chính bị hủy, sửa nhiều nhất với 23 vụ, kế đến là Bà Rịa-Vũng Tàu 16 vụ…

Làm mất quyền khởi kiện của đương sự

Kết quả xét xử phúc thẩm cho thấy án sơ thẩm hành chính bị cấp phúc thẩm hủy, sửa là do có vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Điển hình như vụ án ông TVT kiện yêu cầu hủy Công văn 4582 ngày 7-7-2020 của UBND TP Phan Thiết (Bình Thuận) và buộc cơ quan này phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất bị thu hồi. 

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Thuận đã đình chỉ giải quyết toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Phán quyết này bị kháng cáo và viện trưởng VKSND tỉnh kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy quyết định đình chỉ.

Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định đúng là công văn bị khởi kiện là công văn mang tính nội bộ, chỉ đạo điều hành việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Do đó, tòa sơ thẩm đình chỉ đối với yêu cầu hủy công văn là có căn cứ.

Hình minh họa

Riêng yêu cầu thực hiện hành vi hành chính về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất bị thu hồi là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính. Do đó, HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng nghị, hủy quyết định đình chỉ của cấp sơ thẩm và giao về tiếp tục giải quyết. 

Đáng chú ý có vụ thụ lý, giải quyết vụ án khi người khởi kiện không có quyền khởi kiện. Bà VTH thay con trai kiện UBND TP Phan Thiết (Bình Thuận). Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Thuận chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tuyên bố việc UBND TP Phan Thiết không giao đất tái định cư cho ông NHT là trái pháp luật và buộc ban hành quyết định giao đất.

UBND TP kháng cáo, viện trưởng VKSND tỉnh kháng nghị phúc thẩm. TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, chấp nhận kháng nghị lẫn kháng cáo, tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Theo HĐXX phúc thẩm, văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận có nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của ông T. Ông T đã là người thành niên, không thuộc trường hợp bị hạn chế về năng lực dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Do đó, ông T có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 5 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Bà VTH khởi kiện nhưng không có ủy quyền bằng văn bản của con thì tòa phải trả lại đơn khởi kiện, nếu đã thụ lý thì phải đình chỉ.

Không thu thập chứng cứ cho dân

Bên cạnh các vi phạm về tố tụng, án hành chính sơ thẩm bị hủy, sửa vì có sai phạm liên quan đến nội dung.

Chẳng hạn vụ ông NTL khởi kiện yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất của UBND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), cấp sơ thẩm đã có vi phạm trong việc thu thập chứng cứ.

Năm 1990, ông NTL được UBND TP Cà Mau cấp giấy chủ quyền 4.000 m2 đất tại ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm. Ngày 15-8-2003, UBND TP thu hồi 2.666,2 m2 trong 4.000 m2 đất đã được cấp cho ông để giao cho bảy hộ dân sử dụng. Ông L cho rằng chưa biết và chưa từng được thông báo hay nhận được quyết định thu hồi đất.

Trong khi đó, UBND TP Cà Mau cho là ông L không cung cấp được quyết định thu hồi đất nên UBND TP không có cơ sở để rà soát, cung cấp cho tòa quyết định này.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh bác yêu cầu của ông L do ông không cung cấp được quyết định hành chính bị khởi kiện. Ông L kháng cáo, viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị phúc thẩm.

Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận kháng cáo, kháng nghị, tuyên hủy án sơ thẩm, chuyển hồ sơ xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

HĐXX phúc thẩm xét thấy Phòng Địa chính và Đô thị TP Cà Mau đã ghi vào trang 4 của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông L nội dung quyết định thu hồi đất ngày 15-8-2003. Việc ghi chú biến động vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đảm bảo cơ sở pháp lý của việc ghi chú là trách nhiệm của cơ quan quản lý đất đai, không phải trách nhiệm của người có đất bị thu hồi.

Ông L không được tống đạt quyết định này và việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi chú vào giấy tờ của ông không đầy đủ, không rõ ràng nên ông chỉ có thể cung cấp được những gì mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ghi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông. 

Việc cung cấp quyết định và hồ sơ đảm bảo tính hợp pháp của quyết định này là trách nhiệm của UBND TP. Cấp sơ thẩm đã không thực hiện đầy đủ biện pháp thu thập chứng cứ để xem xét tính hợp pháp của việc UBND TP thu hồi đất nhưng đã tuyên bác yêu cầu của ông L là chưa đủ cơ sở.

Vi phạm trong đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật

Ngoài ra, án hành chính bị cấp phúc thẩm hủy, sửa còn do có vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ và vi phạm trong việc áp dụng pháp luật. 

Cụ thể là vụ Công ty cổ phần S khởi kiện hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 19-2-2016 của cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, buộc Cục Thuế hoàn trả hơn 47,1 tỉ đồng đã nộp và bồi thường tiền lãi gần 14,5 tỉ đồng. TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm đã bác yêu cầu này nên công ty kháng cáo.

Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo, sửa án, hủy quyết định của Cục Thuế. Theo HĐXX phúc thẩm, quyết định của Cục Thuế không viện dẫn các căn cứ pháp luật làm cơ sở xác định hành vi vi phạm của công ty cũng như hình thức và mức xử phạt. Cục Thuế xác định hành vi vi phạm là Công ty S khai sai thuế phải nộp nhưng lại xử phạt hành vi chậm nộp thuế… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm