Viện Tối cao rút kinh nghiệm về cách tính thiệt hại trong vụ án oan của ông Nguyễn Văn Dũng

(PLO)- Phải căn cứ ngày ban hành quyết định đình chỉ điều tra (không phải ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định) để tính thiệt hại về tinh thần cho người bị làm oan.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, VKSND Tối cao ban hành thông báo rút kinh nghiệm việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hoạt động TTHS thuộc trách nhiệm của VKSND đối với vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1961 ở Tây Ninh.

vksnd-toi-cao-rut-kinh-nghiem-ve-vu-an-boi-thuong-oan-cua-ong-nguyen-van-dung.jpg
Ông Dũng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: LÊ ÁNH

Theo hồ sơ, ngày 27-7-1979, Công an huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh khởi tố vụ án "Cướp tài sản riêng của công dân" và khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 7 người, trong đó có ông Nguyễn Văn Dũng. Ngày 11-5-1983, VKSND tỉnh Tây Ninh ban hành các quyết định đình chỉ điều tra với 7 người trong cùng vụ án, xác định 7 người này đã bị oan.

Ngày 12-3-2020, VKSND tỉnh Tây Ninh đã ban hành các quyết định bồi thường cho 7 người, tổng số tiền của mỗi người là hơn 1 tỉ đồng gồm các khoản tiền thu nhập bị mất hoặc giảm sút, thiệt hại về tinh thần, các chi phí khác.

VKSND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức chỉ trả tiền bồi thường cho 6 người. Riêng ông Dũng không đồng ý số tiền này nên đi kiện, yêu cầu VKSND tỉnh Tây Ninh bồi thường hơn 10,9 tỉ đồng.

Xử sơ thẩm hồi tháng 3-2022, TAND tỉnh Bình Dương đã ghi nhận mức bồi thường của VKSND tỉnh Tây Ninh và quyết định VKSND tỉnh Tây Ninh bồi thường cho ông Dũng số tiền là 1 tỉ đồng. Ông Dũng kháng cáo.

Tháng 8-2022, xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận một phần kháng cáo của ông Dũng đối với việc bồi thường thiệt hại về tinh thần với nhận định: VKSND tỉnh Tây Ninh không tống đạt tại thời điểm ban hành quyết định đình chỉ điều tra ngày 11-5-1983 cho ông Dũng để chấp nhận bồi thường thiệt hại về tinh thần cho ông Dũng từ ngày khởi tố cho đến ngày ông Dũng nhận được quyết định đình chỉ với số tiền hơn 1,7 tỉ đồng.

Sau khi xét xử phúc thẩm, VKSND tỉnh Tây Ninh có văn bản đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Trong văn bản rút kinh nghiệm, VKSND Tối cao cho rằng việc toà án cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của ông Dũng đối với 13.112 ngày (từ ngày 11-5-1983 đến ngày 4-4-2019, khoảng thời gian không bị bắt nhưng chưa được tống đạt hợp lệ quyết định đình chỉ điều tra) là áp dụng không đúng quy định của pháp luật về các trường hợp được bồi thường thiệt hại về tinh thần và khoảng thời gian tính bồi thường về tinh thần của người bị oan trong TTHS.

Căn cứ khoản 3 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 và Điều 11 Nghị định 68/2018 thì thời điểm cuối cùng để tính khoảng thời gian được bồi thường tổn thất về tinh thần của ông Dũng là đến ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường (quyết định đình chỉ điều tra ngày 11-5-1983) đồng thời là ngày ông Dũng được trả tự do.

Cạnh đó, theo VKSND Tối cao, theo Điều 4, 62, 76 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 không có cơ sở để áp dụng các quy định về việc tuyên lãi và lãi suất chậm trả phát sinh trong quá trình thi hành bản án. Thực tế trong thời gian qua, hầu hết các bản án, quyết định của tòa án về giải quyết bồi thường nhà nước đều không tuyên tiền lãi chậm chi trả đối với khoản tiền bồi thường và án phí.

Đơn vị bồi thường không biết người bị thiệt hại đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm?

Cũng trong thông báo rút kinh nghiệm, VKSND Tối cao cho rằng trong thời gian qua, đã có bản án người bị thiệt hại đề nghị giám đốc thẩm nhưng đơn vị giải quyết bồi thường không nắm được nên đã làm thủ tục đề nghị cấp kinh phí dẫn đến việc người bị thiệt hại không đồng ý nhận tiền bồi thường.

Do vậy, VKSND Tối cao yêu cầu các địa phương phải báo cáo ngay Vụ 7 VKSND Tối cao các trường hợp giải quyết tại tòa án có phát sinh kháng cáo, kháng nghị, hoặc vướng mắc trong quá trình tham gia giải quyết vụ việc thi hành bản án, quyết định của tòa án, để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm