Theo hãng tin AP, việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây sa thải một số quan chức cấp cao đang làm nóng lại một vấn đề mà chính quyền Mỹ gần như đã bỏ qua kể từ khi xung đột nổ ra: lịch sử đầy tham nhũng và cách quản lý lỏng lẻo của chính quyền Kiev.
Sau khi cung cấp hàng chục tỉ USD dưới dạng viện trợ quân sự, kinh tế và tài chính cho Ukraine, đồng thời kêu gọi các đồng minh làm tương tự, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với vấn đề mà họ lo ngại từ lâu rằng liệu Ukraine có phù hợp để tiếp nhận lượng viện trợ lớn như vậy từ Mỹ hay không.
Những vấn đề tham nhũng tại Ukraine đã có từ nhiều thập niên trước và từng là một trong những lý do dẫn đến cuộc luận tội lần đầu tiên đối với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, khía cạnh này gần như bị gạt hoàn toàn sang một bên sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, dẫn đến việc Mỹ và các đồng minh tập hợp lại để hỗ trợ Kiev.
Chính quyền ông Biden và nhiều nghị sĩ Mỹ đã tránh chỉ trích Ukraine công khai về vấn đề tham nhũng từ khi xung đột nổ ra. Một nữ nghị sĩ gốc Ukraine từng lên tiếng mạnh mẽ về chuyện tham nhũng ở Ukraine nhưng gần đây cũng trở nên im lặng.
Dù vậy, việc ông Zelensky sa thải tổng công tố Ukraine, tướng tình báo và các quan chức cấp cao khác vào cuối tuần qua đang làm nóng lại những quan ngại trên, khiến dư luận chú ý một lần nữa vào những cáo buộc của một nghị sĩ Mỹ về tình trạng tham nhũng trong hàng ngũ cấp cao ở Kiev.
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP |
Chính quyền Washington tìm cách né tránh
Đó là một vấn đề tế nhị đối với chính quyền ông Biden. Với hàng tỉ USD viện trợ cho Ukraine, Nhà Trắng tiếp tục ưu tiên hỗ trợ chính phủ của ông Zelensky trong khi phải đối mặt nhiều vấn đề nóng trong nước như giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao.
Những người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine ở lưỡng đảng Mỹ cũng né tránh vấn đề này vì sẽ khiến việc thông qua các gói viện trợ trong tương lai khó khăn hơn.
Để tránh phản ứng dữ dội từ dư luận, giới chức Mỹ đã nhanh chóng nói rằng ông Zelensky có quyền bổ nhiệm bất kỳ ai phù hợp vào các vị trí cấp cao, trong đó có vị trí tổng công tố, và sa thải bất kỳ ai mà ông cho là đang hợp tác với Nga.
“Trong tất cả mối quan hệ của chúng tôi, bao gồm quan hệ với Ukraine, chúng tôi không đầu tư vào cá nhân nào mà chúng tôi đầu tư vào thể chế, và tất nhiên, Tổng thống Zelensky đã đưa ra những giải thích hợp lý về những thay đổi nhân sự của ông ấy” - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói hôm 19-7.
Tuy nhiên, ông Price từ chối bình luận thêm về lý do Tổng thống Zelensky sa thải các quan chức hay giải quyết vấn đề cụ thể mà cho rằng không có gì nghi ngờ việc Nga vẫn cố gắng tạo ảnh hưởng ở Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price. Ảnh: DAILY SABAH |
Mỹ từng rất quan tâm vấn đề tham nhũng ở Ukraine
Nhưng trước đó, ngay cả khi quân Nga đang tập trung gần biên giới Ukraine vào mùa thu năm 2021, chính quyền Tổng thống Biden vẫn thúc giục ông Zelensky làm nhiều hơn nữa để chống tham nhũng.
Đến cuối năm 2021, chính quyền Mỹ vẫn phê phán chính phủ của ông Zelensky trong vấn đề chống tham nhũng, song không hề nhắc đến Nga.
“Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ rất thất vọng trước việc Ukraine trì hoãn mà không có lời giải thích nào về việc chọn lựa người đứng đầu Văn phòng công tố chuyên trách về chống tham nhũng, một cơ quan quan trọng để chống tham nhũng ở cấp cao” - Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Kiev đưa ra tuyên bố hôm 9-11-2021.
“Chúng tôi thúc giục uỷ ban tuyển chọn tiếp tục công việc của mình mà không trì hoãn thêm nữa. Thất bại trong quy trình lựa chọn sẽ làm suy yếu công việc của các cơ quan chống tham nhũng mà Ukraine và các đối tác quốc tế lập ra” - tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ nêu rõ.
Vị công tố viên đặc biệt đó cuối cùng cũng được chọn vào tháng 12-2021, nhưng chưa bao giờ được bổ nhiệm chính thức. Dù việc bổ nhiệm có thể diễn ra trong thời gian tới, nhưng quyết định của ông Zelensky sa thải tổng công tố vừa qua có thể khiến vấn đề phức tạp hơn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: THE NATION |
Hạ nghị sĩ Mỹ mâu thuẫn với chính quyền Ukraine
Hạ nghị sĩ Victoria Spartz, thành viên đảng Cộng hoà, trong những tuần gần đây đã cáo buộc Tổng thống Zelensky “chơi trò chơi chính trị”, và cáo buộc ông Andriy Yermak, trợ lý hàng đầu của tổng thống Ukraine, đã phá hoại nền tảng phòng thủ của Ukraine.
Bà Spartz nhiều lần kêu gọi Ukraine bổ nhiệm công tố viên chống tham nhũng và cho rằng chính ông Yermak trì hoãn quá trình này, AP đưa tin.
Trước đó, bà Spartz đã có hàng chục chuyến thăm đến Ukraine từ khi xung đột nổ ra. Tháng 5 vừa qua, bà được mời đến Nhà Trắng và nhận chiếc bút của Tổng thống Biden để ký vào gói viện trợ cho Ukraine, dù trước đó bà chỉ trích ông rất gay gắt và cho rằng chính quyền Mỹ đã không làm nhiều hơn nữa để giúp Kiev.
Đáp trả lại lời chỉ trích của bà Spartz, Bộ Ngoại giao Ukraine cáo buộc bà lan truyền lập luận của Nga và cảnh báo bà chớ nên “cố kiếm thêm vốn liếng chính trị từ những suy đoán vô căn cứ”.
Sau những ồn ào trên, Nhà Trắng đã mời bà Spartz dự cuộc họp cung cấp thông tin mật trong hai giờ nhằm trấn an và khuyến khích bà hạn chế chỉ trích công khai chính quyền Kiev và ông Zelensky.
Nhưng chỉ vài giờ sau, bà Spartz có cuộc trả lời phỏng vấn bằng tiếng Ukraine trên nền tảng video trực tuyến YouTube, trong đó bà tiếp tục kêu gọi nước này bổ nhiệm công tố viên chống tham nhũng độc lập.
“Vấn đề này cần giải quyết càng nhanh càng tốt. Đây là vấn đề lớn với phương Tây, vì thế tôi nghĩ tổng thống của các bạn cần giải quyết sớm” - bà Spartz nói.
Hạ nghị sĩ Jason Crow, thành viên hai uỷ ban Quân vụ và Tình báo Hạ viện Mỹ, cho biết ông không thấy bằng chứng cho thấy những người thân cận xung quanh ông Zelensky đang giúp Nga. Nhưng khi cuộc chiến tiếp diễn, một phần chiến lược của Mỹ ở Ukraine sẽ phải là xử lý tình trạng lãng phí và quản lý sai trái nguồn lực.
“Không có cuộc chiến nào trong lịch sử thế giới có thể tránh khỏi vấn đề tham nhũng và những người cố lợi dụng nó. Nếu có những quan ngại như vậy, chúng ta phải giải quyết” - ông Crow nhấn mạnh.