Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo các Ngân hàng Châu Á lần thứ 17 (The Asian Banker Summit 2016) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 11-5 ở Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với tăng trưởng kinh tế đạt bình quân khoảng 6,6%/năm, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường, từng bước áp dụng mô hình quản trị hiện đại, tiệm cận dần với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Trong đó, ngành ngân hàng là một trong những ngành luôn tiên phong trong công cuộc đổi mói, thực hiện tốt vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng cam kết Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và hướng tới phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% trong giai đoạn 2016-2020.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ và là một trong ba quốc gia Đông Á tăng trưởng khởi sắc trong năm 2015; đồng thời nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ ổn định và sẽ là một trong hai nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2016.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đổi mới toàn diện nền kinh tế, thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với mô chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh để hội nhập quốc tế, hướng tới phát triển bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, từng bước tiếp cận chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát huy mạnh mẽ dân chủ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển và coi doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, từ nay đến năm 2020 sẽ mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, bao gồm tất cả thành viên Nhóm G7 và 15 thành viên của G-20.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các nhà đầu tư sẽ hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam mến khách, tìm hiểu các cơ hội và đối tác để đầu tư kinh doanh ổn định lâu dài tại Việt Nam. “Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, luôn đồng hành cùng các nhà đâu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thành công. Chúng tôi khẳng định thành công của các nhà đầu tư cũng chính là thành công của Việt Nam và luôn sẵn sàng hợp tác vì một cộng đồng châu Á và thế giới vững mạnh, ổn định và thịnh vượng”- Thủ tướng nói.