Đây là thông tin được lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành điện vào ngày 25-12. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho biết năm 2019 tình hình khô hạn xảy ra ở hầu hết các khu vực, nước về các hồ chứa ở mức rất thấp. Đặc biệt nước về các hồ thủy điện lưu vực sông Đà thấp nhất trong 30 năm trở lại đây. Nên sản lượng thủy điện năm 2019 giảm 16,3 tỉ kWh so với năm 2018 và thấp hơn 7 tỉ kWh so với kế hoạch. Đồng thời tổng lượng nước tích trong các hồ thủy điện đến cuối năm 2019 hụt trên 11 tỉ m3 so với đầy hồ, tương ứng sản lượng điện thiếu hụt ~4,5 tỉ kWh.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho biết việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: EVN
Bên cạnh đó theo ông Nhân, việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, nguồn khí Đông Nam bộ đã suy giảm mạnh, sản lượng khí cấp đầu năm 20 triệu m3/ngày, đến cuối năm giảm còn 16,5 triệu m3/ngày. Nguồn than sản xuất trong nước không đáp ứng nhu cầu cho điện nên phải nhập khẩu than để bổ sung, điều này ảnh hưởng đến chất lượng than; đồng thời làm tăng chi phí mua than. Trong khi nguồn than nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Indonesia, có nhiều yếu tố rủi ro về chính sách, thời tiết…
Về kế hoạch cung ứng điện năm 2020, ông Nhân cho hay trên cơ sở tính toán cung cầu điện năm 2020, EVN nhận định hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên do hệ thống điện hầu như không có dự phòng về nguồn cấp điện nên tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo cung ứng điện, như nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn so với dự báo, tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện mới chậm hơn dự kiến, khả năng sản xuất điện của các nhà máy điện ngoài EVN, việc đảm bảo nhiên liệu (than, khí) cho phát điện...
Dự kiến năm 2020 Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu điện từ Lào để ứng phó với thiếu điện. Ảnh: TP
Bên cạnh đó EVN dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu xếp vốn và đảm bảo cân đối tài chính của EVN.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều độ điện quốc gia (A0), năm 2020 nguy cơ thiếu điện xuất phát từ hạn hán, thiếu nước tại các hồ chứa thủy điện, khó khăn cung cấp khí và than cho các nhà máy nhiệt điện…
Theo lãnh đạo A0, từ năm 2020 Việt Nam sẽ phải tăng cường huy động nguồn nhiệt điện than và nhiệt điện dầu. Trong đó, nhiệt điện than dự kiến chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện. Trong khi đó có thể sẽ phải huy động 3,4-6 tỉ kWh điện chạy dầu. “Chi phí phát điện chạy dầu vào khoảng 3.500-5.000 đồng/kWh. Do đó EVN lo ngại sẽ mất cân đối về tài chính” - lãnh đạo A0 cảnh báo.
Đặc biệt năm 2020 dự kiến Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu điện từ Lào để đối phó với thiếu điện. Năm 2020 dự kiến sản lượng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng điện. Lãnh đạo A0 cho biết sẽ tăng nhập khẩu trong giai đoạn tới từ Lào lên 1.770 MW.
Theo EVN, tổng doanh thu toàn tập đoàn năm 2019 ước đạt 393.230 tỉ đồng, tăng 14,3% so với năm 2018, trong đó doanh thu bán điện là 387.675 tỉ đồng, tăng 16,4%. Lợi nhuận công ty mẹ - EVN ước đạt 950 tỉ đồng, đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Giá trị nộp ngân sách năm 2019 của EVN là 27.200 tỉ đồng, tăng 2.089 tỉ đồng so với năm 2018. Các đơn vị đã tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh được 1.524 tỉ đồng. Giá trị tiết kiệm thông qua đấu thầu khoảng 13.266 tỉ đồng, tương ứng tiết kiệm 16,4%. Tổn thất điện năng năm 2019 toàn tập đoàn ước đạt 6,5%, thấp hơn 0,2% so với kế hoạch và vượt trước một năm so với lộ trình của kế hoạch năm năm được Thủ tướng Chính phủ giao. |