Phát biểu tại sự kiện, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, khẳng định mục tiêu đến 2030 Viettel sẽ đứng trong TOP 10 các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin lớn nhất trên thế giới.
“Chỉ bằng việc làm chủ công nghệ lõi thì một quốc gia mới có thể trở thành một quốc gia phát triển và tiên tiến. Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel đã, đang và sẽ là một nhân tố quan trọng trong việc đóng góp vào quá trình hiện đại hóa quân đội.
Từng bước xây dựng được hạ tầng đồng bộ, hiện đại và nguồn lực mạnh cho phát triển công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia, đưa Việt Nam ra khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước phát triển”, Thiếu tướng Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tham quan mô hình Tổng công ty.
Việc thành lập TCT CN- CNC tiếp tục giai đoạn phát triển thứ tư của Viettel là trở thành Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ cao với 3 nền công nghiệp mũi nhọn: Công nghiệp quốc phòng, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp an ninh mạng, đi đầu trong tiến trình “Make in Vietnam”, đưa các sản phẩm: Quốc phòng, lưỡng dụng, công nghệ mạng ra thị trường quốc tế.
Trong lĩnh vực quốc phòng, hiện Viettel đã nghiên cứu, sản xuất: Máy thông tin quân sự bảo đảm thông tin liên lạc cả trên bộ, trên không và trên biển; Hệ thống cảnh giới vùng trời Quốc gia; Hệ thống radar công nghệ số ứng dụng AI trong bài toán xử lý, hiển thị mục tiêu và nhiễu….
Đến nay, trong lĩnh vực công nghệ cao Viettel đã nghiên cứu chế tạo thành công 78 sản phẩm, làm chủ 68 công nghệ lõi với 111 sáng chế. Tổng doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao đến năm 2018 đạt 1,05 tỷ USD.