Tuy nhiên, Vinalines lại dự kiến lỗ gần 1.141 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, nửa cuối năm sẽ đạt 144 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, tính chung cả năm 2018, Vinalines có khả năng lỗ gần 1.000 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế cho hai năm kế tiếp 2019 và 2020, theo kế hoạch, đạt lần lượt 177 và 223,5 tỉ đồng.
Vinalines đã trải qua giai đoạn khó khăn từ năm 2009 do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng hải. Điều này khiến công ty rơi vào tình cảnh thua lỗ năm 2011 và đến năm 2014, lợi nhuận trước thuế âm 2.469 tỉ đồng; sang năm 2015 mới cân bằng thu chi và có lãi do thực hiện một giải pháp tái cơ cấu.
Vậy đâu là điểm hấp dẫn cho nhà đầu tư chiến lược có thể "xuống tiền" mua cổ phần Vinalines? Theo giới phân tích, về lĩnh vực kinh doanh vận tải biển chắc chắn khó mà hấp dẫn giới đầu tư vì theo công bố tài chính Vinalines suốt giai đoạn từ 2014-2017, công ty toàn lỗ vài trăm tỉ đồng.
Tuy nhiên, về khai thác cảng biển lại khác, khi Vinalines đang sở hữu một loạt cảng biển chạy dài khắp đất nước và nắm trong tay những cảng biển kinh doanh rất tốt.
Kết quả kinh doanh khai thác cảng biển của Vinalines cũng thể hiện rõ điều này. Tính riêng giai đoạn 2015-2017, Vinalines lãi ròng từ 800 đến hơn 1.000 tỉ đồng.
Vinalines cũng cho biết công ty đang tập trung tái cơ cấu đội tàu, bán bớt một số tàu không hiệu quả, tái cơ cấu tài chính.
Đồng thời, sẽ tập trung thực hiện việc thoái vốn tại 18 doanh nghiệp thành viên trong giai đoạn 2018-2020 theo chủ trương, kế hoạch đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.