Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VN) (Vinalines) vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT và Bộ Tài chính liên quan tới việc bán tàu Vinalines Sky. Con tàu này có trọng tải 42.717 DWT, được Vinalines mua với giá 661 tỉ đồng, nay bán với giá chỉ 89,59 tỉ đồng. Theo tìm hiểu, con tàu trên sẽ được đơn vị mua cắt ra lấy sắt vụn.
Ồ ạt bán tàu để cắt lỗ
Giải thích với báo chí về việc mua giá cao nhưng bán với mức giá rẻ bèo, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng Giám đốc Vinalines, cho biết: Trải qua các lần bán, mức giá 89,59 tỉ đồng mà Công ty HPC đã trả là mức cao nhất từ trước đến nay, gần đạt được mức kỳ vọng của Vinalines.
“Sau đó, mặc dù Vinalines đã có đàm phán giá để người mua tăng giá, đạt được mức giá khởi điểm nhưng họ không thể tăng thêm nữa. Vì thế Vinalines đã đề nghị được bán tàu với giá trên để không lỗ thêm” - lãnh đạo Vinalines cho biết.
Cũng theo Vinalines, trong thời gian neo chờ bán, tổng công ty đã tiết giảm tối đa các chi phí như chỉ sử dụng máy phát sự cố thay cho máy đèn, neo chờ tại khu vực có mức phí thấp nhất, cắt giảm thuyền viên… Tuy nhiên, chi phí duy trì tàu hiện tại phát sinh vẫn lớn, khoảng 2.000 USD/ngày, chưa tính chi phí quản lý.
“Việc bán tàu càng chậm thì thiệt hại càng lớn cho Vinalines và tàu ngày càng xuống cấp do quá hạn đăng kiểm, sửa chữa lớn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho thuyền viên” - báo cáo của Vinalines cho hay.
Trước đó Vinalines đã bán hàng loạt tàu để cắt lỗ, giảm bớt khó khăn. Riêng trong năm ngoái, tổng công ty này đã nhượng bán, thanh lý tám tàu biển với tổng trọng tải khoảng 222.400 tấn. Đáng chú ý, những con tàu này được rao bán với mức giá rẻ bất ngờ. Đơn cử tàu Vinalines Fortuna được Vinalines mua với giá hơn 341 tỉ đồng, dự kiến bán hơn 34,8 tỉ đồng. Tàu Vinalines Star mua với giá gần 378 tỉ đồng, dự kiến bán 34,4 tỉ đồng. Năm nay Vinalines sẽ tiếp tục thanh lý 5-6 tàu như Vinalines Glory, Vinalines Galaxy, Vinalines Ruby…
Vinalines vừa bán thanh lý con tàu Vinalines Sky với giá chỉ 89,59 tỉ đồng để cơ cấu lại tài chính và cắt lỗ. Ảnh: MARINETRAFFIC
Chỉ thấy thua lỗ
Việc phải bán tàu giá rẻ để cắt lỗ như trường hợp Vinalines không phải là hiếm, trái ngược với thời kỳ vàng son trước đây khi mà các đại gia ồ ạt đầu tư, vay tiền để đóng mới tàu. Có thể thấy rõ điều này qua câu chuyện của Công ty Cổ phần Vận tải biển VN (Vosco), một trong những hãng tàu lớn tại VN. Kể từ năm 2012 đến nay, hãng tàu này liên tục báo lỗ. Chỉ duy nhất năm 2014, Vosco báo lãi nhưng lợi nhuận lại đến từ việc… bán bớt tàu. Quý I-2018, Vosco tiếp tục báo lỗ gần 30 tỉ đồng. “Những năm bị lỗ là do thị trường vận tải biển bị suy thoái quá lâu” - ông Bùi Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Vosco, lý giải thêm.
Tương tự, Công ty Vận tải biển Vinaship cũng chìm ngập trong những khoản lỗ kéo dài không dứt. Kết thúc năm ngoái, Vinaship đạt doanh thu gần 600 tỉ đồng nhưng lỗ ròng lên đến hơn 75 tỉ đồng. Sự u ám kinh doanh của Vinaship tiếp tục kéo dài khi tháng 1-2018 doanh thu đạt 180 tỉ đồng nhưng lỗ đến 14 tỉ đồng.
Theo ông Vương Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Vinaship, sự khó khăn của hãng tàu nằm ở mức phí vận tải vẫn chưa hồi phục. “Thêm nữa đội tàu có độ tuổi lớn nên khai thác không hiệu quả, chưa kể một số tàu phải lên đà sửa chữa nên ảnh hưởng đến doanh thu” - ông Sơn cho hay.
Nối dài danh sách thua lỗ còn có nhiều công ty vận tải tàu biển khác như Công ty Cổ phần Vận tải Biển Bắc (NOS) báo lỗ liên tục từ năm 2012 đến nay. Kết thúc năm 2017, đơn vị này lỗ ròng hơn 158 tỉ đồng, trong khi năm trước khoản lỗ này lên tới 340 tỉ đồng. Còn số này nâng lỗ lũy kế lên mức 3.556 tỉ đồng, kéo vốn chủ sở hữu âm 3.297 tỉ đồng.
Bộ GTVT cho hay không chỉ giá cước cao hơn tàu ngoại mà tính liên thông trong vận tải quốc tế của đội tàu biển VN kém, năng lực khai thác yếu nên hầu hết tàu nội đều không đáp ứng yêu cầu về tiến độ giao hàng. |
Le lói ánh sáng cuối đường hầm
Nguyên nhân chính khiến các hãng tàu lỗ triền miên, không ngóc đầu lên được là do đội tàu VN không cạnh tranh nổi trên thị trường quốc tế, đồng thời đang dần để mất thị phần nội địa vào tay các hãng tàu nước ngoài.
Ông La Quang Trí, Giám đốc ShipOffer Corp, nhìn nhận: VN đang xuất khá nhiều loại hàng hóa và các loại hàng hóa này thường dùng tàu rời để vận chuyển như gạo, cát, đá, gỗ dăm, mì lát, clinker, xi măng... Thế nhưng đội tàu VN lại ít có tàu cỡ lớn nên đơn hàng phần nhiều rơi vào tay các tàu nước ngoài.
Thêm vào đó, hầu hết các hãng tàu VN chỉ tập trung khai thác loại tàu hàng khô, hàng rời, còn tàu hàng container gần như bỏ trống (hiện đội tàu container VN chỉ chiếm 4%, còn chủ yếu là tàu hàng rời). Trong khi ngành vận tải biển thế giới đã chuyển dịch sang xu hướng vận chuyển bằng container.
Tán đồng với quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng bức tranh không mấy tích cực của các hãng tàu nội địa VN còn do việc đội tàu biển VN phải gánh chi phí quá lớn. Hầu hết đều sử dụng vốn vay ngân hàng lớn, chi phí duy tu, bảo dưỡng tàu cao trong khi thị trường ế ẩm nên bào mòn kết quả kinh doanh.
Để giúp đội tàu biển VN tìm lối thoát và có nguồn hàng, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tổ chức đấu thầu trong nước đối với các hợp đồng vận chuyển than nhập khẩu bằng đường biển. Theo đó các chủ hàng VN sẽ tạo điều kiện để đội tàu của VN được vận chuyển hàng hóa theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu nhưng phải tuân thủ các quy định WTO.
Đây có thể là một trong những giải pháp trước mắt giúp đội tàu VN tham gia vận chuyển và nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hỗ trợ các hãng vận tải biển VN trong giai đoạn khó khăn. Nhưng theo các chuyên gia, giải pháp này sẽ không bền vững nếu bản thân các doanh nghiệp không tìm cách tự xoay xở chuyển hướng để phù hợp với nhu cầu mới của thị trường.
Bắt tay đấu với đại gia ngoại Một kế hoạch được xem là khá khả thi khi mới đây, một liên minh gồm Vosco, Vinalines, Vinaship và Công ty Cổ phần Hàng hải Đông Đô liên kết lại để ký hợp đồng khung với các tập đoàn lớn của Malaysia như Petronas Chemicals Marketing Ltd, Hemat Marine Sdn Bhd về vận chuyển phân bón.
Theo đó, các bên sẽ tham gia vận chuyển phân bón từ Malaysia đi Thái Lan và Philippines. Sản lượng vận chuyển dự kiến 1-2 triệu tấn/năm và có thể tăng dần trong các năm tiếp theo. Việc bắt tay giữa các hãng tàu biển được xem là một trong các giải pháp giúp đội tàu biển VN vượt qua cơn khốn khó. |