Ngày 17-1, phiên tòa phúc thẩm đại án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch Ngân hàng (NH) Xây dựng - VNCB) và đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng tiếp tục phần đối đáp gút lại giữa đại diện VKS với các luật sư (LS). Sau đó, các bị cáo nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án.
“VNCB như… vật thế chấp”
Tại tòa, LS của VNCB cho rằng bà Trần Ngọc Bích nói 124 sổ tiết kiệm là tài sản của bà và 16 người liên quan vì họ là người đứng tên trên sổ tiết kiệm. Bản chất tiền của những người này gửi tại VNCB là tiền vay của ông Trần Quý Thanh. Giao dịch giữa ông Thanh và bị cáo Danh là giao dịch giả tạo, không hợp pháp.
Theo LS này, những người đứng tên sổ vay vốn chỉ đến NH ký, còn những việc khác là ông Thanh, bà Bích đứng ra làm. Ngay cả việc mở tài khoản cũng là bà Bích đứng ra hướng dẫn họ làm, ông Thanh là người hưởng lãi và trả lãi vay NH. Việc tổ chức thực hiện này rất chặt chẽ, có sự phân công cụ thể, cả ông Thanh và bà Bích cũng tham gia vào.
LS này đặt vấn đề: “Có hay không việc vay tiền giữa ông Thanh, bà Bích và ông Danh? Nếu minh bạch sao phải nhờ người khác đứng tên? NH Xây dựng trở thành “vật thế chấp” giữa ông Danh và ông Thanh; NH là đối tượng bị hại”.
Bị cáo Phạm Công Danh trong ngày xử phúc thẩm cuối cùng trước khi tòa tuyên án. Ảnh: HOÀNG YẾN
“Cha con ông Thanh không phải là đồng phạm”
Trong khi đó, LS của bà Bích cho rằng tòa sơ thẩm vi phạm tố tụng khi không có nguyên đơn dân sự, không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại mà vẫn buộc nhóm khách hàng và bà Bích cùng các bị cáo phải bồi hoàn tiền. Và tới phiên tòa phúc thẩm, công tố viên lại tiếp tục vi phạm. Không có kháng cáo, không có kháng nghị tăng nặng nhưng công tố tại phiên tòa phúc thẩm vẫn đề nghị tăng mức thu hồi tiền cao hơn mức mà án sơ thẩm đã tuyên.
LS đề nghị HĐXX xem xét lại vấn đề bị cáo Danh lấy tiền bất chính trả nợ cho các cá nhân và NH nhưng không thu hồi mà lại thu hồi tiền của ông Thanh. “Việc đại diện VKS cho rằng ông Thanh, bà Bích là đồng phạm giúp sức cho ông Phạm Công Danh rút tiền khỏi NH là không có căn cứ” - LS nhấn mạnh. Theo LS, cha con ông Thanh, bà Bích đều không có chức vụ nên không thể cấu thành tội cố ý làm trái được.
Cả cáo buộc trốn thuế, LS cũng khẳng định đã được điều tra, kết quả chứng minh việc nộp thuế đầy đủ và không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Cạnh đó, ông Thanh, bà Bích không nằm trong diện cấm xuất cảnh. Và trong mấy năm trở lại đây, bà Bích đã xuất khẩu hàng đi 16 quốc gia, đóng thuế cho Nhà nước không dưới 5.000 tỉ đồng nên không có căn cứ cho rằng bà Bích, ông Thanh trốn thuế, việc VKS đề nghị cấm xuất cảnh này ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín và quyền lợi của bà Bích, ông Thanh…
“Xuất phát từ thực tiễn đấu tranh tội phạm mới”
Đối đáp lại, VKS khẳng định tất cả vấn đề LS đưa ra, viện tranh luận không bỏ sót bất cứ tình tiết nào. Công tố viên bác quan điểm cho rằng VNCB không bị thiệt hại. “Hành vi cố ý làm trái xuất phát từ mục đích rút tiền của VNCB, thiệt hại đã xảy ra, tội phạm đã hoàn thành” - VKS khẳng định.
Theo VKS, giao dịch giữa ông Thanh và bị cáo Danh đã thực hiện và hậu quả thiệt hại đã xảy ra. Bà Bích, ông Thanh phải nộp lại số tiền 5.190 tỉ đồng là có căn cứ. Việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Thanh, bà Bích cũng là có căn cứ.
“LS cho rằng việc quy kết bà Bích trốn thuế không có căn cứ, vậy điều gì chứng tỏ bà Bích đã nộp thuế số tiền 5.190 tỉ đồng? VKS kiến nghị xem xét điều tra làm rõ là cần thiết” - VKS lập luận.
Đáng chú ý, để bảo vệ quan điểm đề nghị cấm cha con ông Thanh và bà Bích xuất cảnh, công tố viên cho rằng “xuất phát từ thực tiễn đấu tranh tội phạm mới”. Công tố viên cũng nói rõ: “Việc cấm xuất cảnh hay không là quyết định của CQĐT”.
Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Danh khẳng định quan hệ giữa bị cáo và ông Thanh là quan hệ vay mượn, mong HĐXX xem xét lại bối cảnh bị cáo tiếp quản NH Đại Tín.
Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) tiếp lời bị cáo Danh: “Dù khách hàng luôn luôn là thượng đế nhưng khi VNCB quá khó khăn, khách hàng - trường hợp này là ông Thanh và bà Bích - đã lợi dụng NH. Trong khi đó, anh Danh đã bỏ tất cả con người, sự nghiệp nhưng không giải cứu được NH này”.
Tòa tuyên bố nghị án, dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 24-1.
“Bị cáo cảm ơn đại diện VKS” Bị cáo tự hào khi kế thừa thương hiệu vật liệu xây dựng trên 55 năm hình thành xây dựng và phát triển, kế thừa truyền thống của gia đình, bị cáo đã phát triển thành Tập đoàn Thiên Thanh vững mạnh, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Với mong muốn xây dựng đất nước, bị cáo đã mua lại NH Đại Tín để xây dựng lại NH này. Tuy nhiên, khi tiếp quản NH, nợ xấu đang ở mức rất cao, trong đó trên 95% là nợ xấu không có khả năng thu hồi nên NH luôn bị đặt dưới sự kiểm soát của NHNN. Bản thân bị cáo đã không lường trước được những khó khăn và đã phải bán hàng chục căn nhà để xây dựng NH và duy trì thanh khoản. Bị cáo không lấy bất cứ đồng tiền nào của VNCB. Bị cáo cảm ơn đại diện VKS đã đề nghị truy thu 100% tài sản để khắc phục hậu quả và đến thời điểm hiện tại đã khắc phục được 72% hậu quả. Bị cáo xin lỗi những người thuộc cấp của bị cáo cũng như những gia đình có người dính líu trong vụ án này. Bị cáo cảm ơn các LS đã giúp đỡ mình nhằm tìm ra sự thật. Bị cáo PHẠM CÔNG DANH |