Dư luận đang xôn xao việc bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Huỳnh Uy Dũng – tức Dũng “lò vôi” - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam) tố ông Võ Hoàng Yên (SN 1975, quê Cà Mau, tạm trú Bình Thuận – người được gọi là “thần y”) lừa tiền cứu trợ, tiền xây chùa.
Bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền hơn 150 tỉ đồng.
Theo lời bà Hằng, bà đã giao cho ông Yên quản lý tài chính, vật tư để xây chùa nhưng bị ông này lừa. Cũng trong thời gian xây chùa thì xảy ra lũ lụt ở miền Trung nên bà Hằng và ông Dũng “lò vôi” đã trao tiền mặt và vận động nhà tài trợ (chuyển khoản cho ông Yên) tổng số tiền trên 3,8 tỉ đồng để ông Yên đi cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt.
Bà cũng cho là nhiều lần ông Yên nói vướng vào nợ nần do chữa bệnh miễn phí nên bà Hằng có nhiều lần chuyển tiền trả nợ giúp ông Yên.
Tuy nhiên, sau khi chùa được xây dựng xong, tại buổi lễ khánh thành Hội quán Hưng An Tự tại tỉnh Bình Thuận (thuộc Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam), trong báo cáo về quá trình tham gia công tác từ thiện xã hội của ban trị sự chùa không đề cập đến số tiền trên 3,8 tỉ đồng mà vợ chồng bà Hằng đã trao tặng.
“Thấy sự việc bất thường nên tôi đã âm thầm tìm hiểu và nhận thấy ông Võ Hoàng Yên đã lừa đảo vợ chồng tôi. Ngoài việc tiền xây chùa, tiền làm từ thiện bị “ăn chặn”, sau khi kiểm tra tôi mới biết những người mà tôi chuyển tiền “trả nợ” thay cho ông Yên đều là người nhà, người quen của ông này” - bà Phương Hằng cho biết.
Ông Huỳnh Uy Dũng cho là vị lương y Võ Hoàng Yên có nhiều vấn đề nghi ngờ như không có bằng cấp; bán phiếu chữa bệnh, khuất tất trong làm từ thiện... Ảnh: Báo Người Lao Động
Đến ngày 2-3, giữa hai bên đã có buổi “đối chất” làm rõ các thông tin tố cáo trên, đồng thời bà Nguyễn Phương Hằng còn tố việc ông Yên chữa bệnh “không có vụ miễn phí”. Buổi “đối chất” trên được diễn ra tại Tổ đình Hưng Minh tự (quận 6, TP.HCM) với sự tham dự của đại diện Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, luật sư của ông Yên và một số phóng viên báo chí…
Tại đây, bà Hằng đã yêu cầu Trung ương Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam trục xuất ông Võ Hoàng Yên và giao Hưng An Tự (ngôi chùa do vợ chồng bà Hằng phát tâm xây dựng) cho chức sắc uy tín của Phật hội quản lý.
Cũng tại buổi đối chất này, ông Huỳnh Uy Dũng cho là vị lương y này có nhiều vấn đề nghi ngờ như không có bằng cấp; bán phiếu chữa bệnh, cũng như việc thực hiện từ thiện cũng có nhiều khuất tất, chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông.
Tuy nhiên, ông Võ Hoàng Yên phủ nhận toàn bộ những tố cáo.
Ông Yên cũng tự nhận mọi hoạt động kêu gọi quyên góp, ủng hộ từ thiện là do cá nhân mình tự thực hiện chứ không hề liên quan đến Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam.
Ông Yên còn xác nhận đã nhiều lần nhận được tiền của vợ chồng ông Dũng “lò vôi” và bà Phương Hằng. Tuy nhiên ông Yên nói ông có đi làm từ thiện chứ không “ăn chặn”.
Ông Võ Hoàng Yên (áo trắng, phía trên) phủ nhận những tố cáo đối với bản thân về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh cắt từ clip báo Người Lao Động
“Lẽ ra, ông bà nên nói với tôi trước khi đưa ra dư luận như thế này. Bây giờ tôi ra đường xấu hổ lắm... Luật nhân quả là luật cao nhất. Cách đây ít hôm, tôi có đề nghị với ông Dũng về việc những gì cho và tặng bản thân tôi, tôi xin gửi lại hết” - ông Yên nói.
Một ngày sau đó (3-3), bà Nguyễn Phương Hằng xác nhận đã gửi đơn đến Bộ Công an, Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM tố cáo việc ông Võ Hoàng Yên lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đơn tố cáo, tổng số tiền ông Yên có dấu hiệu trục lợi là hơn 150 tỉ đồng.
Cũng trong ngày 3-3, trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Uy Dũng đã xác nhận chuyện này. Sau khi nộp đơn tố cáo lên công an, ông Huỳnh Uy Dũng còn cho biết đối với chi phí xây chùa là vợ chồng ông quyên góp, nên đề nghị Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam cử người quản lý chùa, không giao cho ông Võ Hoàng Yên. Còn việc tố cáo ông Yên “ăn chặn” hay lừa đảo, hiện vợ chồng ông đã nộp chứng cứ để công an làm rõ.
Còn đối với dự định xây “trung tâm khám chữa bệnh và phòng thuốc nam” tại khu dân cư Đại Nam, tỉnh Bình Phước và tuyên bố tặng 2 ha đất tại TP mới Bình Dương cho “lương y” Võ Hoàng Yên, ông Dũng “lò vôi” cho biết đã hủy các dự định này.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Hội trưởng Ban Trị sự trung ương Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, cho biết Ban Trị sự sẽ có cuộc họp mở rộng để bàn về đề nghị của gia đình ông Huỳnh Uy Dũng giao lại ngôi chùa ở Bình Thuận cho Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam quản lý. Đồng thời, ông Ánh đề nghị cơ quan chức năng làm rõ lùm xùm tài chính giữa ông Võ Hoàng Yên và vợ chồng ông Dũng. Theo ông Ánh, giáo lý của Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam không cho phép các tín đồ đứng ra quyên góp, nhận tiền của một ai khác. |
Điều kiện hành nghề lương y Lương y là người có hiểu biết về lý luận y dược học cổ truyền, có kinh nghiệm khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y dược học cổ truyền có dùng thuốc hoặc không dùng thuốc được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế công nhận sau khi có ý kiến của Hội đông y trung ương hoặc Hội đông y cấp tỉnh. Theo quy định tại Thông tư 29/2015, những đối tượng được cấp giấy chứng nhận là lương y gồm: + Đối tượng đã được chuẩn hóa lương y có đủ các chứng chỉ học phần nhưng chưa được kiểm tra sát hạch trước ngày 30-6-2004. + Đối tượng đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp Giấy chứng nhận là lương y chuyên sâu trước ngày 30-6-2004. + Đối tượng đã được Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam bồi dưỡng và cấp Giấy chứng nhận đạt trình độ y sỹ cấp 2 trở lên (theo phân loại của Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam) trước ngày 30-6-2004. + Đối tượng đã được Sở Y tế tỉnh, TP trực thuộc trung ương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y, y học cổ truyền, trang thiết bị y tế tư nhân có phạm vi hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền nhưng không phải là bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền và chưa được cấp Giấy chứng nhận là lương y. + Đối tượng đặc cách đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ đủ 30 năm trở lên. + Đối tượng có đủ các chứng chỉ học phần và đã đạt kết quả qua kỳ kiểm tra sát hạch cuối khóa chuẩn hóa lương y do Bộ Y tế tổ chức nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận là lương y. Ngoài ra, những người muốn được cấp giấy chứng nhận là lương y còn phải đáp ứng các điều kiện về hiểu biết lý luận y dược học cổ truyền; kinh nghiệm khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền… |