“Không đi cỏ thì bứt rứt không chịu được”
Nghề ghe cỏ, hay thương hồ cỏ, xuất hiện từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi các huyện ngoại thành của TP.HCM bắt đầu phong trào nuôi bò sữa. Bố mẹ anh Hồng có 11 người con thì 6 người con trai cùng một người con rể theo nghề ghe cỏ. Riêng anh Hồng theo nghề từ năm 17 tuổi. Người dân trong vùng thường gọi anh với cái tên thân mật là Thảo.
Công việc của người ghe cỏ quần quật từ sáng sớm tới tối mịt, nếu ca đêm thì từ chiều tối đến sáng hôm sau, hầu như chỉ nghỉ mỗi ngày chủ nhật.
Với nghề này, chuyện gặp rắn, đỉa là bình thường. Nếu đi một mình như anh Thảo, nếu bị rắn cắn thì chỉ có thể tự sơ cứu cho mình, có những lần bị đỉa chửa cắn máu chảy cho đến khi về tận nhà. Không chỉ có vậy mà biết bao thứ nguy hiểm khác như mảnh chai, kim tiêm…lúc nào cũng chờ sẵn, lại thêm việc thỉnh thoảng bắt gặp xác người chết trôi khiến anh em bị một phen hãi hùng.
Nghề ghe cỏ suốt cả ngày phải ngâm mình trong nước
Người đi ghe cỏ sợ nhất là gặp ca nô du lịch. 10 người đi ghe thì có đến 9 người từng bị lật ghe vì ca nô chạy qua làm sóng đánh bật vào ghe. Nếu gặp ngày cắt được nhiều cỏ, lật một phát là mất hết, xui hơn nữa là hư máy luôn là phải ngủ lại trên ghe cả đêm.
Rít vội điếu thuốc, anh Thảo tâm sự: “Từ khi có mấy khu công nghiệp, thanh niên chuyển qua làm công nhân, kết hợp chăn nuôi bò sữa chứ nghề này cơ cực, nay sống mai chết ít ai còn trụ lại”.
Vợ anh Thảo hiện là phó giám đốc một công ty giày da ở khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (Bình Dương). Nhiều lần chị khuyên anh bỏ ghe cỏ, vào làm lái xe cho an toàn nhưng chỉ được vài tháng, anh lại nhớ nghề và quay về với những đám cỏ. “Nó là cái nghiệp của mình rồi, không đi cỏ thì bứt rứt không chịu được”, anh nói.
Bàn chân nhọc nhằn của người theo nghề ghe cỏ
Chăm chỉ cật lực, thu nhập có thể hơn 20 triệu/1 tháng
Dưới cái nắng gắt buổi trưa, thành ghe bằng sắt gỉ sét, mọc đầy nấm mốc nóng như cục than. Anh Thảo vẫn miệt mài đằm mình trong nước ngập đến vai, tay liềm thoăn thoắt cắt cỏ, bó lại rồi vác những bó cỏ to gấp đôi thân người lên ghe. Nghỉ ngơi ít phút anh lại trầm mình xuống dòng nước đen ngòm giữa những đám cỏ lút người.
Những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt đỏ lừ vì nắng, áo quần đẫm nước dính bết vào người, bước chân bọng nước cứ nặng dần khi ghe cỏ đầy dần lên.
Trung bình mỗi ngày anh Thảo cắt được khoảng 50-60 bó cỏ. Vào mùa mưa, cỏ mọc nhiều, có lúc cắt được tới 120-140 bó/ngày. Mỗi bó lớn bán được 10.000-11.000 đồng, bó nhỏ khoảng 2.000-3.000 đồng.
Những bó cỏ to gấp đôi thân người
“Chủ nuôi bò cần cỏ thường xuyên, nếu chịu khó đi nguyên ngày, trừ tiền dầu, máy có khi mỗi tháng kiếm cũng được hơn 20 triệu”, anh Thảo cho biết.
Mấy tháng trời nắng, người ghe cỏ phải đi xa hơn, có khi phải ra tận cầu Rạch Chiếc hay qua Bình Dương, Đồng Nai để cắt.
“So với mấy thằng em, đi ghe riết rồi vợ nó ôm tiền ôm con bỏ đi, được như anh là phúc đức lắm rồi”, ánh mắt anh chợt buồn buồn, nhìn về phía những đám bèo đang trôi chầm chậm…
Trên đường trở về, chiếc ghe ghé một trang trại bò sữa để giao cỏ. Từ trên bờ, tiếng chủ trại vọng xuống: “Thảo, mày cắt thế này thì còn cỏ đâu cho người khác cắt nữa?”. Anh cười ngường ngượng rồi nhanh nhẹn vác cỏ chất lên bờ.
Chiếc ghe chất đầy cỏ của anh Thảo
Đúng lúc đó, một ghe khác bắt đầu xuất bến. Anh Thảo nói đó là ghe của cậu em tên Hiếu đi cắt ca đêm. Đời ghe cỏ cứ thế tiếp tục từ sáng đến khuya, từ đoạn sông này nối tiếp đoạn sông khác, lênh đênh….
Dù cơ cực nhưng nụ cười vẫn nở trên môi anh