Vốn ngoại đổ vào bất động sản tăng đột biến

Chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Đón sóng cổ phiếu bất động sản, xây dựng cuối năm 2019" vừa diễn ra chiều 30-7, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết trong bảy tháng đầu năm, Sở Xây dựng chỉ trình cho UBND TP. HCM có ba dự án mới về quyết định chủ trương đầu tư, giảm hơn 80%.

Ngoài ra có 10 dự án được công nhận chủ đầu tư dự án, giảm 82% và 24 dự án đủ điều kiện huy động vốn. Bảy tháng đầu năm, nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản (BĐS) giảm hơn 60%.

Đáng ngạc nhiên là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường BĐS sáu tháng lại đạt hơn 225,9 triệu USD, chiếm 43% tổng nguồn vốn FDI mới. BĐS trở thành nhóm ngành thu hút vốn FDI khiến cho nhiều chuyên gia lo ngại bởi điều đó đồng nghĩa với sự sụt giảm thu hút vốn FDI ở các khu vực khác như sản xuất, chế tạo máy….

"Vốn FDI vào BĐS thường xếp vị trí số ba về độ thu hút vốn. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, lĩnh vực BĐS có liên quan đến khoảng 95 ngành nghề", ông Châu nhận định.

Ảnh minh họa

Nhận định về dòng vốn ngoại vào thị trường này, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết, dòng vốn nào vào Việt Nam cũng đều tốt, miễn sao minh bạch. Từ trước tới nay chúng ta vẫn hoan nghênh dòng vốn ngoại vào lĩnh vực BĐS, từ đó mới đáp ứng nhu cầu vốn cao tại TP.HCM.

Không lo ngại vốn ngoại đẩy lùi doanh nghiệp nội, ông Hiển dự báo: "Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn đang ổn định và sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Thị trường BĐS sẽ tiếp tục ổn ở dòng sản phẩm trung bình thấp."

Nhận định về thị trường hiện nay, trong khi ông Lê Hoàng Châu cho rằng đang có nhiều dấu hiệu sụt giảm thì TS Hiển lại cho rằng đây chỉ là thống kê của các công ty BĐS. Nguyên nhân là các dự án mới tại thành phố phần lớn có vị trí đẹp, gặp vấn đề về pháp lý và cơ quan quản lý phải rà soát. 

Nguồn cung trên thị trường giảm, hoạt động bán hàng không đạt mức cao là đúng nhưng câu hỏi lớn là thị trường có sụt giảm không thì ông Hiển cho rằng "không".

"Bản thân tôi có đi hỏi mua căn hộ tại TP.HCM, từ tháng 3 đến tháng 6 giá không giảm. Tôi có ra Đà Nẵng đi một số vùng, năm 2019 một số đất vùng ven lại sốt giá, giá tăng thật, giao dịch thật. Thị trường có hai vấn đề, có những sản phẩm dự án lớn sẽ bị kẹt lâu, người mua lỡ ôm hàng, không có người mua nhưng vẫn không chịu giảm giá. Tình trạng tính thanh khoản giảm là ở những khu vực đó. Người dân tiếp tục tin vào đất, họ cứ mua và để đó", ông Hiển nhận định. 

Dự đoán về tình hình những tháng cuối năm, TS Bùi Quang Tín- chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng thị trường địa ốc đang có nền tảng vĩ mô tốt nên dự báo dòng vốn sẽ tiếp tục chảy vào BĐS.
"Mặc dù tổng lượng giao dịch sáu tháng đầu năm giảm 34% nhưng giá không giảm, nên đợt khó khăn lần này của thị trường không giống như các đợt đi xuống trước đây. Chúng ta có nền tảng vĩ mô tốt là cơ hội phát triển của thị trường chứng khoán, bất động sản và sự tăng trưởng cộng hưởng của các nhóm ngành", ông Tín nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm