VPCC Nguyễn Cảnh nói gì về việc công chứng ngoài trụ sở?

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh việc Công an quận 9, TP.HCM chuyển hồ sơ để Sở Tư pháp TP xem xét, xử lý vi phạm hành chính đối với văn phòng công chứng (VPCC) Nguyễn Cảnh (trụ sở ở quận 3) vì thực hiện hoạt động công chứng ngoài trụ sở công chứng đã đăng ký theo giấy phép và mang con dấu ra khỏi trụ sở cơ quan, tổ chức.

Vẫn bảo quản con dấu tại trụ sở?

Xung quanh chuyện này, ông Lê Văn Ngọc, người quản lý công tác hành chính của VPCC Nguyễn Cảnh, đã có buổi trao đổi với PV.

Theo ông Ngọc, lý do VPCC Nguyễn Cảnh có hai con dấu là do trước đây có lần người giữ két sắt, con dấu tròn của VPCC bị bệnh. Nhà người này ở Tiền Giang nên khi bệnh, người nhà chở thẳng về quê, không bàn giao lại chìa khóa két sắt cho VPCC. Cả ngày đó VPCC không có con dấu để sử dụng cho hoạt động công chứng, chứng thực nên tất cả hồ sơ, giao dịch của khách hàng bị ứ đọng, ngưng trệ, gây phiền hà cho người dân.

Lần khác, đầu năm 2018, con dấu của VPCC Nguyễn Cảnh đóng lâu ngày bị nhòe, phải đến Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM (PC06) xin sửa chữa dấu, tốn thời gian hết hai ngày. Trong khi chờ sửa chữa con dấu thì toàn bộ hồ sơ, giao dịch của khách hàng và VPCC bị tạm dừng, ảnh hưởng đến nhu cầu giao dịch của người dân.

Vì thế, VPCC Nguyễn Cảnh đã xin PC06 cấp thêm con dấu thứ hai để thuận tiện trong hoạt động công chứng. Con dấu thứ hai vẫn được bảo quản tại trụ sở VPCC chứ không nhằm mục đích đem ra bên ngoài sử dụng.

Trên đây là lý giải của ông Ngọc. Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại, vào ngày 15-10-2018, khi Công an quận 9 phối hợp với Phòng Tư pháp quận kiểm tra phòng 4.7, lầu 4 tòa nhà của một chi nhánh ngân hàng ở đường Lê Văn Việt, quận 9 (nơi diễn ra hoạt động công chứng của công chứng viên Nguyễn Thế Tạo và nhân viên Trần Tuyết Nhi thuộc VPCC Nguyễn Cảnh), lực lượng chức năng đã thu giữ đến 18 con dấu các loại. Đặc biệt, trong số đó có con dấu tròn có nội dung “VPCC Nguyễn Cảnh”.

Sau đó, khi làm việc với cơ quan công an, ông Mai Ngọc Tâm (người được trưởng VPCC Nguyễn Cảnh ủy quyền điều hành VPCC) cho biết ngày 18-6-2018, VPCC này được PC06 cấp thêm một dấu tròn mang tên VPCC Nguyễn Cảnh và con dấu này được giao cho công chứng viên Nguyễn Thế Tạo quản lý, sử dụng từ đó đến nay.

Trụ sở văn phòng công chứng Nguyễn Cảnh tại quận 3, TP.HCM. Ảnh: KP

Không mở chi nhánh?

Bên cạnh đó, ông Lê Văn Ngọc cho rằng VPCC Nguyễn Cảnh chỉ hoạt động công chứng tại trụ sở duy nhất là số 4 Trần Quang Diệu (phường 13, quận 3, TP.HCM) như đã đăng ký chứ không mở chi nhánh, đại lý hay trụ sở giao dịch nơi khác.

Về hoạt động công chứng tại phòng 4.7, lầu 4 tòa nhà chi nhánh ngân hàng ở đường Lê Văn Việt, ông Ngọc lý giải việc này là do VPCC Nguyễn Cảnh và ngân hàng có ký hợp đồng hợp tác nên phía ngân hàng có hỗ trợ cho VPCC một nơi làm việc để công chứng viên có chỗ ngồi tư vấn pháp luật về công chứng cho người có nhu cầu công chứng về thế chấp, bảo lãnh nhà đất để vay tiền… Ngược lại, VPCC Nguyễn Cảnh cũng bố trí một bàn làm việc cho phía ngân hàng tại trụ sở ở quận 3.

Ông Ngọc cũng cho biết thường ngày công chứng viên Nguyễn Thế Tạo ngồi tại trụ sở VPCC ở quận 3 để công chứng, chứng thực hồ sơ cho khách hàng. khi ngân hàng có nhu cầu tư vấn, giải thích pháp luật cho khách hàng, VPCC cử công chứng viên Tạo đi xuống quận 9 để tư vấn pháp luật về những việc có liên quan đến công chứng cho khách hàng. không phải công chứng viên này ngồi ở ngân hàng suốt để hoạt động công chứng.

Ông Ngọc nhận thiếu sót là đã không kiểm tra, giám sát, quản lý khi nhân viên IT của VPCC Nguyễn Cảnh tự ý đặt biển hiệu “Công chứng” gây hiểu nhầm mà lẽ ra phải đặt bảng hiệu bên ngoài là “Tư vấn pháp luật về công chứng” thì mới chính xác (trước cửa phòng 4.7 - PV).

Trao đổi với PV, công chứng viên Nguyễn Thế Tạo cho biết ngày công an kiểm tra, ông nhận được điện thoại của ngân hàng yêu cầu ký công chứng hồ sơ thế chấp của người mẹ để người con vay tiền. Do người mẹ lớn tuổi và có nhu cầu ký công chứng ngay tại ngân hàng, hồ sơ này trước đó ông đã tư vấn, giải thích về mặt pháp luật xong và hôm đó chỉ đi ký. Ông Tạo cho biết hôm đó lấy con dấu đi ra ngoài ký công chứng có báo cáo với trưởng VPCC và ký vào sổ mượn dấu của văn phòng (khi PV đề nghị được xem sổ lấy dấu rời khỏi trụ sở thì phía VPCC cho biết nhân viên hành chính, văn thư bị bệnh, nghỉ phép).

Lý giải ngoài việc công chứng hồ sơ thế chấp, công chứng viên còn ký sao y các giấy tờ tùy thân như CMND…, ông Tạo nói khi công chứng hồ sơ thế chấp thiếu bản sao giấy tờ tùy thân nên ông, với quyền hạn của công chứng viên, được chứng thực bản sao nên chứng luôn. Ông Tạo cũng cho biết không phải lúc nào ông cũng xuống quận 9 để hoạt động công chứng mà chỉ khi ngân hàng và người dân có nhu cầu, hằng ngày ông vẫn làm việc ở trụ sở VPCC ở quận 3. Còn việc bố trí văn phòng làm việc tại quận 9 là do phía ngân hàng bố trí để thuận tiện cho công việc của đôi bên.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại, khi lực lượng chức năng quận 9 đến kiểm tra ngày 15-10-2018 thì ghi nhận trước cửa phòng 4.7 nói trên có gắn hai bảng nhỏ trên tường có chữ “Công chứng” bằng tiếng Việt và tiếng Anh là “Notarization”. Bên trong phòng trang bị tới bốn bàn làm việc, một máy photocopy, hai máy tính xách tay.

Đáng chú ý, lực lượng chức năng phát hiện công chứng viên Tạo và nhân viên Nhi đang thực hiện việc công chứng, chứng thực các loại giấy tờ liên quan đến đất đai và giấy tờ tùy thân (có thu phí) chứ không chỉ đơn thuần là “tư vấn pháp luật về công chứng” như lời ông Lê Văn Ngọc nói. Khai với công an, bà Nhi cho biết trong ngày đó, tại địa điểm này, ông Tạo và bà đã công chứng, chứng thực khoảng 15 bộ hồ sơ do ông Tạo ký và đóng dấu VPCC Nguyễn Cảnh...

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc này có diễn biến mới.

Khi nào được công chứng ngoài trụ sở?

Theo khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng 2014, việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm