Vụ Alibaba: Lý do nhiều bị cáo được nhận mức án nhẹ hơn mức án VKS đề nghị

(PLO)- HĐXX cho biết các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, là người làm công ăn lương, nghe theo chỉ đạo, thiếu hiểu biết pháp luật; ngoài ra nhiều bị cáo không bị áp dụng tình tiết tăng nặng như VKS áp dụng trước đó.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-12, TAND TP.HCM bắt đầu tuyên án vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba).

Theo đó, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thái Luyện chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh này các bị cáo khác nhận mức án từ 10-20 năm tù. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng lĩnh 3 năm tù về tội rửa tiền nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.

Hôm nay, HĐXX tiếp tục tuyên án đối với phần bồi thường thiệt hại cho các bị hại trong các phụ lục kèm theo.

Trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngoài Nguyễn Thái Luyện HĐXX vẫn giữ nguyên mức án mà VKS đề nghị thì hầu hết bị cáo khác đều được HĐXX tuyên mức án nhẹ hơn mức án mà VKS đã đề nghị trước đó.

Lý do là các bị cáo này có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bên cạnh đó HĐXX cũng không chấp nhận một tình tiết tăng nặng mà VKS đã áp dụng khi luận tội trước đó.

Không chấp nhận 1 tình tiết tăng nặng của VKS

Trong quá trình tranh luận, luật sư đề nghị không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội hai lần trở lên” đối với các bị cáo tham gia tại một dự án. Đồng thời, xem xét lại tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức” vì các bị cáo phạm tội mang tính thụ động, không được tham gia họp bàn mà hoàn toàn theo chỉ đạo của bị cáo Luyện.

Đánh giá về các tình tiết tăng nặng này, HĐXX cho biết các bị cáo như Huỳnh Thị Ngọc Như mặc dù là phó Tổng giám đốc Công ty Alibaba, tuy nhiên bị cáo không trực tiếp tham gia quá trình thành lập và bán đất nền dự án.

Chủ toạ phiên toà đang tuyên án đối với các bị cáo ngày 29-12. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chủ toạ phiên toà đang tuyên án đối với các bị cáo ngày 29-12. Ảnh: NGUYỆT NHI

Còn đối với các bị cáo khác bao gồm: Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, Nguyễn Quang Sơn, Nguyễn Trung Trường, Vi Thị Hiến, Nguyễn Trần Phúc Nguyên, Phan Ngọc Nguyên là những bị cáo đứng tên đại diện pháp luật cho các Công ty thành viên hoặc đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với một dự án.

Mặc dù các dự án trên có nhiều bị hại tham gia mua đất nền, tuy nhiên do các bị cáo đều không trực tiếp ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bị hại nên không xem các bị cáo phạm tội từ hai lần trở lên. Do đó, không chấp nhận quan điểm của VKS đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội hai lần trở lên đối với các bị cáo nói trên.

Đối với tình tiết tăng nặng phạm tội có tổ chức, theo quy định tại khoản 2, Điều 17 BLHS thì phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm, có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Đối chiếu với vụ án này, ngoài bị cáo Luyện là chủ mưu tổ chức thì các bị cáo khác đều là người thực hành. Mỗi bị cáo đều là một mắt xích trong chuỗi hành vi hay nói cách khác không có hành vi của bị cáo này thì không dẫn tới hành vi của bị cáo sau và không có hậu quả của vụ án.

Việc các bị cáo nhận chỉ đạo mà không tham gia họp bàn lên kế hoạch không phải là dữ liệu bắt buộc của loại tội phạm này. Do đó, HĐXX chấp nhận quan điểm đề nghị của đại diện VKSND TP.HCM

Có nhiều tình tiết giảm nhẹ

Đánh giá về các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo, HĐXX cho biết ngoài bị cáo Luyện, các bị cáo còn lại chỉ là nhân viên dưới quyền làm công ăn lương phải chấp hành chỉ đạo của cấp trên, mặc dù cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả, không được hưởng lợi cá nhân.

Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán của Công ty Alibaba) bị tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội rửa tiền. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán của Công ty Alibaba) bị tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội rửa tiền. Ảnh: NGUYỆT NHI

Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, mặc dù các bị cáo có nhận thức khác nhau về tội phạm nhưng đều thành khẩn khai báo. Các bị cáo đều ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình nên xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 51 BLHS (người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải).

Các bị cáo Trịnh Minh Pháp và Huỳnh Thị Kim Thắng được hưởng tình tiết giảm nhẹ tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án. Cụ thể, bị cáo Pháp đã tự trình báo và giao nộp 42 GCN quyền sử dụng đất. Bị cáo Thắng trình báo về sổ tiết kiệm trị giá hai mươi tỉ đồng. Tất cả tài sản trên do các bị cáo đứng tên giùm Công ty Alibaba.

Ngoài ra, trước và trong phiên tòa nhiều bị cáo là nhân viên Công ty Alibaba mặc dù không được hưởng lợi cá nhân nhưng đã tự nguyện nộp lại một số tiền tại cơ quan thi hành án để khắc phục thiệt hại cho bị hại. Ví dụ Trịnh Minh Pháp nộp 10 triệu đồng, Bùi Minh Đức 30 triệu đồng, Vi Thị Hiến 9 triệu đồng…

Một số tình tiết giảm nhẹ khác mà HĐXX chấp nhận như: Người thân của các bị cáo tự nguyện xin chuyển một phần hoặc toàn bộ số tiền đã đầu tư vào Công ty Alibaba để khắc phục hậu quả cho các bị hại; người thân của các bị cáo là người có công với cách mạng…

HĐXX cũng cho biết, khi lượng hình cũng cân nhắc vì đa số các bị cáo tuổi đời còn rất trẻ. Ngoài bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Trương Thị Ngọc và Huỳnh Thị Kim Thắng, các bị cáo còn lại đều làm việc không đúng chuyên ngành được đào tạo nên hiểu biết về pháp luật đất đai và kinh doanh bất động sản có hạn chế. Đồng thời, do quá tin tưởng vào cấp trên dẫn đến hành vi phạm tội, các bị cáo đều là lao động chính trong gia đình.

Mức án cụ thể với từng bị cáo

Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

- Nguyễn Thái Luyện: chung thân

- Võ Thị Thanh Mai: 20 năm tù

- Nguyễn Thái Lực: 17 năm tù

- Trang Chí Linh: 19 năm tù

- Huỳnh Thị Ngọc Như: 17 năm tù

- Nguyễn Lê Hoàng Lan: 16 năm tù

- Trịnh Minh Pháp: 13 năm tù

- Nguyễn Trần Phúc Nguyên: 12 năm tù

- Vũ Hoàng Hải: 12 năm tù

- Nguyễn Thị Vân Anh: 12 năm tù

- Đào Thị Thanh Lợi: 12 năm tù

- Trương Thị Hồng Ngọc: 18 năm tù

- Nguyễn Thái Lĩnh: 17 năm tù

- Bùi Minh Đức: 17 năm tù

- Trần Huy Phúc: 15 năm tù

- Phan Ngọc Nguyên: 15 năm tù

- Nguyễn Quang Sơn: 10 năm tù

- Nguyễn Văn Kiên: 10 năm tù

- Nguyễn Trung Trường: 10 năm tù

- Vi Thị Hiến: 10 năm tù

- Nguyễn Huỳnh Tú Trinh: 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp với hình phạt 4 năm 6 tháng tù từ bản án của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bị cáo chấp hành chung cho cả hai bản án là 16 năm 6 tháng tù.

- Võ Văn Trần Quang: 10 năm tù

Về tội rửa tiền

- Huỳnh Thị Kim Thắng: 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo

- Võ Thị Thanh Mai: 12 năm tù, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù cho hai tội (20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

- Nguyễn Thái Lực: 10 năm tù, tổng hợp hình phạt là 27 năm tù cho hai tội (17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Trước đó, VKS đề nghị mức án 20 năm tù đối với các bị cáo Trương Thị Hồng Ngọc, Bùi Minh Đức, Trần Huy Phúc, Nguyễn Trần Phúc Nguyên, Trịnh Minh Pháp, Trang Chí Linh, Huỳnh Thị Ngọc Như, Nguyễn Lê Hoàng Lan, Phan Ngọc Nguyên.

Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Văn Kiên, Vi Thị Hiến, Võ Văn Trần Quang, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh bị đề nghị mức án từ 16 đến 18 năm tù.

Vũ Hoàng Hải, Nguyễn Thị Vân Anh: 15 đến 16 năm tù

Nguyễn Trung Trường: 14 đến 15 năm tù

Đào Thị Thanh Lợi: 13 đến 14 năm tù.

Nguyễn Quang Sơn: 12 đến 13 năm tù

Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực 30 năm tù cho 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền

Huỳnh Thị Kim Thắng: 5 đến 6 năm tội rửa tiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm