Vụ án con bò đi lạc

Cán bộ tư pháp và trưởng Công an xã Tiên Phong (Tiên Phước, Quảng Nam) vừa bị kiểm điểm do tự ý giao nộp con bò dính bẫy của dân cho người khác xẻ thịt. Bởi từ “phán quyết” của hai vị này, vụ việc sau đó trở nên phức tạp…

Dính bẫy và bị xẻ thịt

Theo đơn trình bày của ông Trương Văn Trợ (trú thôn 2, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, Quảng Nam), gia đình ông có năm con bò, chăn thả tại khu vực núi Dương Bút (xã Tam Lộc). Ngày 6-3, con bò đực giống nặng hơn 2 tạ của ông bỏ đàn, đi theo bò của ông Phạm Đại và một số hộ dân thôn 3 (xã Tiên Phong). Đến chiều cùng ngày, ông Trợ được người đến báo tin rằng con bò đực này đã bị mắc bẫy kẹp ở rừng keo của ông Nguyễn Khanh (cán bộ tư pháp xã Tiên Phong) tại khu vực núi Hố Biển - Dương Con (xã Tiên Phong, Tiên Phước), con bò đã bị chặt đứt bốn chân.

Nhận được tin, ông Trợ đến hiện trường để nhận lại bò thì ông Khanh không đồng ý trả. Ông này cho rằng bò vào phá keo nên yêu cầu đền bù thiệt hại với giá 40 triệu đồng. “Mức đền bù như vậy là không hợp lý vì nó cao gấp hai lần giá trị con bò. Số lượng cây keo bị thiệt hại cũng không nhiều” - ông Trợ trình bày.

Hai bên thương lượng với nhau nhưng không có kết quả. Đại diện chính quyền địa phương xã Tiên Phong đã đến chứng kiến và lập biên bản hiện trường. “Đến 20 giờ, do trời tối, đường xa nên tôi về nhà. Ngay khi tôi đi, những người này (trong đó có cả trưởng công xã) đã cho xẻ thịt con bò đem bán và chia nhau ăn” - ông Trợ nói.

Sau khi sự việc xảy ra, ông Trợ đã làm đơn báo cáo với chính quyền xã Tiên Phong thì nhận được trả lời của trưởng công an xã: “Ông bỏ về thì tôi cho họ làm thịt”.

Bị kiểm điểm vì tự ý giao bò

Ông Trợ cho rằng việc đặt bẫy, chặt chân và xẻ thịt bò là có chủ ý. Những người này ép ông đền bù với giá không thể thực hiện được để “lấy không” con bò. Ông Trợ đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết.

Phía ông Khanh cho rằng khoảnh rừng keo nói trên là do ông cùng với một số hộ khác bỏ tiền ra trồng, chăm sóc. Do có nhiều đàn bò của người dân thường xuyên vào phá rừng keo nên ông phải mua bẫy kẹp về đặt bẫy bò, đồng thời cắm biển cảnh báo các hộ chăn nuôi.

Hôm ấy, khi nghe tin có con bò vào rừng keo bị dính bẫy kẹp, ông Khanh cùng với công an xã Tiên Phong đến hiện trường để lập biên bản sự việc. Ông Trợ không đồng ý với mức giá đền bù 40 triệu đồng nên không ký vào biên bản sự việc mà bỏ về. Công an xã đã chuyển giao con bò nói trên cho các chủ rừng (gồm ông Khanh và ba người khác).

Sau đó ông Khanh đã bán lại con bò này cho một người cùng xã với giá 10,5 triệu đồng. Ông Khanh cũng thừa nhận việc bán bò này là sai nhưng do thấy con bò nằm chết đã lâu, có nguy cơ phân hủy nên mới cho xẻ thịt.

Tiếp nhận sự việc, Công an huyện Tiên Phước và UBND xã Tiên Phong đã tiến hành kiểm tra, xác minh. Kết quả xác minh cho thấy ông Khanh và ông Nguyễn Văn Ba - Trưởng Công an xã đã làm trái quy định khi tự ý giao nộp con bò đi lạc của dân cho nhóm chủ rừng đem bán, gây thiệt hại cho chủ bò.

“Nếu xác định con bò của ông Trợ đi lạc vào rừng keo thì phía công an phải lập biên bản, giữ bò lại để điều tra chứ không được bán. Nếu không thỏa thuận được mức đền bù thì chủ rừng có thể khởi kiện chủ bò ra tòa đòi bồi thường theo quy định” - đại diện UBND xã Tiên Phong cho biết.

Mới đây, UBND xã Tiên Phong đã tổ chức họp và tiến hành kiểm điểm hai cán bộ nói trên. Đồng thời, xã yêu cầu nhóm chủ rừng gồm ông Khanh và ba người khác phải bồi thường cho ông Trợ số tiền 10 triệu đồng.

Ông Trợ đồng ý với “phán quyết” này của xã và đã nhận tiền bồi thường.

LỆ THỦY

 

Công an xã làm vậy là sai

Trong trường hợp gia súc đi lạc thì người bắt giữ được phải phát thông báo công khai trong khoảng thời gian nhất định. Nếu hết thời hạn trên mà không có ai đến nhận thì lúc đó người bắt giữ được gia súc trở thành chủ sở hữu và có quyền định đoạt đối với con vật này.

Ở đây đã xuất hiện chủ sở hữu của con bò là ông Trợ, do đó ông Khanh buộc phải giao trả con bò. Việc ông Khanh tự ý bán bò là hoàn toàn sai với quy định pháp luật, ông Trợ có quyền khởi kiện đòi bồi thường. Còn trường hợp con bò gây thiệt hại, nếu xác định được thì có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu chủ bò bồi thường. Công an xã đến hiện trường lập biên bản sự việc phải tạm giữ con bò để chờ hai bên thỏa thuận chứ không được giao cho chủ rừng đem bán.

Luật sư NGUYỄN TẤN THANH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm