Ngày 6-6, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần 2 và tuyên phạt Trần Văn Miên (50 tuổi, ngụ Nam Định) 10 năm chín tháng tù về hai tội: bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. HĐXX buộc bị cáo Miên phải bồi thường 800 triệu đồng chiếm đoạt của người bị hại.
Đồng thời, tòa cũng có kiến nghị liên quan đến hai người trong vụ án: bà Lê Thị Thảo và ông Nguyễn Anh Đức. Theo tòa, vụ án này đã nhiều lần trả hồ sơ để điều tra làm rõ vai trò của bà Thảo và ông Đức bị truy tố tội bắt, giữ người trái pháp luật. Tuy nhiên, VKSND Tối cao bảo lưu quan điểm không truy tố. Do phạm vi xét xử, HĐXX kiến nghị VKSND Tối cao, Bộ Công an điều tra làm rõ hành vi của họ.
Bị cáo Miên phản ứng khi bị PV chụp ảnh tại phiên xử.
Đây là vụ án kéo dài hơn bảy năm, từng được nhiều lần đưa ra xét xử và từng bị hủy án để điều tra lại. Cụ thể, sau khi TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần 1, tuyên phạt Miên 13 năm tù cho cả hai tội danh.
Tòa phúc thẩm cho rằng bản án sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên hủy toàn bộ bản án này, giao cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, xét xử lại. Tháng 5-2017, VKSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố Miên cũng về hai tội, bà Thảo và ông Đức bị truy tố về tội bắt, giữ người trái pháp luật. Tháng 8-2017, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lại và trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau đó công an, VKS đã ra quyết định đình chỉ bị can đối với bà Thảo và ông Đức với lý do hành vi của hai người này không còn nguy hiểm cho xã hội.
Theo hồ sơ, Lê Thị Thảo và bà Nguyễn Thị Phương Nam quen biết với nhau từ năm 2008 và nhiều lần mượn tiền qua lại.
Trên xe, bà Nam xin trả mỗi tháng 50 triệu đồng nhưng Thảo không đồng ý nên bà Nam được đưa vào một nhà nghỉ ở quận 12, sau đó được chuyển đến một căn nhà hoang bằng gỗ gần hồ Trị An (Đồng Nai) giam lỏng.
Tại đây, Thảo nói với bà Nam trả nợ gốc là 4,5 tỉ đồng, còn lãi tính 2%/tháng nên bà Nam đồng ý. Sau khi thương lượng, bà Nam đã gọi điện thoại cho nhiều người hỏi vay mượn cũng như những người còn nợ bà Nam số tiền 3,5 tỉ đồng đưa cho người thân của Thảo. Thảo nhận được số tiền 3,5 tỉ đồng thì đưa bà Nam đến một nhà nghỉ ở Bình Dương.
Lúc này Miên nói còn 1 tỉ đồng ráng trả cho xong, nếu không lo được thì phải trả từ 500 triệu đến 700 triệu đồng. Bà Nam gọi cho người thiếu nợ đòi tiền và người thiếu nợ bà Nam chuyển vào tài khoản của Miên 800 triệu đồng. Sau khi được thả về, bà Nam đã làm đơn tố cáo.
Ngoài ra, bà Nam còn tố cáo khoảng 7-10 ngày sau khi bị bắt giữ cho về, Miên cùng với một đối tượng tên Đức nói giọng miền Bắc liên tục gọi điện thoại yêu cầu bà trả thêm tiền cho Thảo.
Sau đó, bà đã ra một quán trà sữa trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) đưa cho Đức 40 triệu đồng. Đến tối 20-3-2011, Miên đi taxi cùng nhiều người đến quán ốc tại đường Hùng Vương (quận 5) lấy thêm 500 triệu đồng. Tuy nhiên, ngoài lời khai của bà Nam thì không có chứng cứ gì khác, Miên thì phủ nhận nên không có căn cứ buộc Miên cưỡng đoạt số tiền này.
Sau khi Miên ra đầu thú, VKSND Tối cao đã chỉ truy tố Miên về các tội: bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản với số tiền 800 triệu đồng. Riêng về hành vi tham gia bắt giữ và cưỡng đoạt số tiền 3,5 tỉ đồng của nạn nhân của Thảo và một số đối tượng khác, CQĐT tách ra điều tra, xử lý ở một vụ án khác. Giai đoạn xét xử sơ thẩm, tòa từng nhiều lần trả hồ sơ vì Thảo là đối tượng chủ chốt trong vụ án này nhưng chưa được điều tra làm rõ.
Nhưng phía VKS giữ nguyên quan điểm và do giới hạn xét xử, tòa chỉ tuyên phạt Miên. HĐXX phúc thẩm nhận định kết luận điều tra và cáo trạng loại bỏ trách nhiệm những người liên quan là lọt người, lọt tội nên cần hủy án… Sau đó VKS truy tố bà Thảo, ông Đức rồi sau đó lại đình chỉ như trên đã nêu.
Tại phiên xử hôm nay, bị cáo Miên không thừa nhận tội cưỡng đoạt tài sản. Miên cho rằng bản thân chỉ đòi nợ giùm bà Thảo, số tiền 800 triệu đồng đã gửi lại cho bà này. Tuy nhiên, bà Thảo phủ nhận lời khai này và Miên cũng không đưa ra được bằng chứng để chứng minh bản thân đã gửi tiền. Luật sư của bị cáo Miên cũng đề nghị tòa làm rõ hành vi phạm tội của bà Thảo. Vì theo luật sư, bà Thảo đóng vai trò chủ mưu trong vụ án nhưng không bị đưa ra xét xử.