Ngày 23-1, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần tranh luận giữa đại diện VKS với các luật sư (LS).
Hoàng Công Lương “nổi quạu” với luật sư
HĐXX hỏi bị cáo Hoàng Công Lương có tranh luận gì với đại diện VKS về cáo buộc đối với mình không. Lương trả lời đã ủy quyền cho các LS.
Trước đó, bị cáo này đã phản ứng với một LS bào chữa cho Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) vì cho rằng bị xúc phạm. Cụ thể, vị LS đề cập việc Lương chưa lần nào xin lỗi đến các gia đình bệnh nhân, tuy nhiên cựu bác sĩ khẳng định ngay trong phiên sơ thẩm lần một đã gửi lời xin lỗi đến các gia đình, điều đau đớn nhất của bị cáo là không cứu chữa được mọi người.
“Còn việc bị cáo có lỗi hay không thì phiên sơ thẩm lần một chưa thể xác định, do đó mới có phiên sơ thẩm lần này” - Lương nói tiếp rồi quay về ghế ngồi.
Đến lượt mình, hầu hết các LS khi bào chữa cho Hoàng Công Lương đều đề nghị HĐXX tuyên thân chủ mình không phạm tội vô ý làm chết người.
LS Nguyễn Thị Thúy Kiều cho rằng bản luận tội của đại diện VKS chưa cập nhật diễn biến trong bảy ngày xét xử, trong đó bao gồm ý kiến của các chuyên gia đầu ngành có lợi cho bị cáo Lương cũng như các bị cáo khác. Bản luận tội gần như y nguyên so với bản cáo trạng đã ban hành.
Theo LS Kiều, Lương không phạm tội vì hành vi ra y lệnh của bị cáo là để cứu người. Lương không có trách nhiệm, nghĩa vụ, càng không thể biết chất lượng về nguồn nước RO bằng mắt thường. Ý kiến các chuyên gia cho thấy trách nhiệm này thuộc về phòng vật tư thiết bị y tế cũng như đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng.
Bị cáo Hoàng Công Lương (giữa) trong ngày xét xử 23-1. Ảnh: TUYẾN PHAN
“Bị cáo Lương đã kiểm tra chất lượng nguồn nước”
Trong khi đó, LS Trần Thu Nam nêu quan điểm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lương có dấu hiệu oan sai. Đến nay, cơ quan tố tụng đã ba lần thay đổi tội danh đối với Lương, thể hiện sự “loay hoay”, “gượng ép” của CQĐT cũng như VKS khi đưa ra kết luận của mình.
Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 5-2017, đại diện VKS đưa ra rất nhiều căn cứ để cáo buộc Lương phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng tại phiên tòa lần này, đại diện VKS cũng lại đưa ra một bản luận tội khác với bị cáo về tội vô ý làm chết người. “Cùng một con người, cùng một cơ quan nhưng lại đưa ra các nhận định khác nhau?” - LS Nam đặt câu hỏi.
LS Nguyễn Văn Quynh thì cho rằng Lương ra y lệnh sau khi đã kiểm tra chất lượng nguồn nước qua đồng hồ đo độ dẫn điện, đã khám tổng quan cho các bệnh nhân và đều đạt chỉ số sinh tồn cho phép, do vậy không thể nói bị cáo “cẩu thả”.
Bên cạnh đó, hệ thống RO số 2 do đơn nguyên thận nhân tạo vận hành, sử dụng nhưng không có nghĩa cán bộ của đơn nguyên có trách nhiệm phải biết nguồn nước có đảm bảo hay không. Trách nhiệm này thuộc về phòng vật tư thiết bị y tế vì bệnh viện đã giao nhiệm vụ quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng đối với hệ thống.
Cũng theo Hợp đồng số 315, trách nhiệm xét nghiệm chất lượng nước là của Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn chứ không phải bệnh viện. Do vậy, VKS cáo buộc Lương phải biết nguồn nước sau khi sửa chữa, bảo dưỡng, phải xét nghiệm là không chính xác.
Chưa có kết quả xét nghiệm đã cho chạy thận
Bào chữa cho Bùi Mạnh Quốc, giám đốc Công ty Trâm Anh, LS Giang Văn Quyết cho rằng cáo buộc của VKS nói thân chủ mình để lại tồn dư hóa chất là không phù hợp. Bởi trên thực tế, Quốc chưa làm xong công việc của mình, giả sử làm xong mà vẫn để tồn dư thì mới có thể quy kết được. “Sau khi sửa chữa xong, Quốc không thể dùng lưỡi hay tay để xác định còn tồn dư hóa chất hay không mà phải mang mẫu nước đi xét nghiệm. Vì chưa sửa xong nên không thể đảm bảo an toàn được” - LS này nói.
Người bào chữa cho Quốc thừa nhận thân chủ của mình chưa can ngăn quyết liệt khi thấy đơn nguyên thận nhân tạo đưa hệ thống vào vận hành khi chưa có kết quả xét nghiệm nước. Tuy nhiên, ông phản đối khi VKS xác định Quốc có vai trò lớn nhất, bởi nếu không có việc ra quyết định vận hành hệ thống lọc máu khi chưa có kết quả xét nghiệm thì sự cố đã không xảy ra.
Cũng theo LS này, Bộ Y tế xác định hai hóa chất mà Quốc dùng chưa được cho phép sử dụng đối với trang thiết bị y tế, thế nhưng Thông tư số 14 của bộ này quy định về danh mục các loại trang thiết bị y tế thì lại không có hệ thống RO mà chỉ có máy chạy thận.
Đối đáp lại, đại diện VKS cho rằng sáng ngày xảy ra sự cố, Quốc thấy đơn nguyên vận hành thì phải ngăn cản, bởi hơn ai hết bị cáo hiểu rằng nguồn nước chưa xét nghiệm thì không thể đảm bảo an toàn. Chính việc không ngăn cản cùng với tồn dư hóa chất do Quốc là người trực tiếp sửa chữa và sử dụng đã dẫn tới hậu quả, do vậy trách nhiệm của Quốc phải là lớn nhất.
Đại diện VKS cũng khẳng định cáo trạng không xác định hóa chất mà Quốc sử dụng là chất bị cấm mà chỉ nói Bộ Y tế chưa cấp phép để sử dụng đối với trang thiết bị y tế. Việc sử dụng hóa chất HF và HCL là một trong những cáo buộc của VKS đối với Quốc nhưng mấu chốt cuối cùng là việc Quốc không ngăn cản khi thấy hệ thống RO vào vận hành mà chưa có kết quả xét nghiệm.
Hôm nay (24-1), tòa tiếp tục làm việc.
Hậu quả của việc không ngăn cản bác sĩ Tự bào chữa cho mình, bị cáo Bùi Mạnh Quốc, giám đốc Công ty Trâm Anh, đề nghị được tranh luận rõ với đại diện VKS về việc thiết bị RO có phải là trang thiết bị y tế hay không. Quốc nói từ trước đến nay đều xác định hệ thống RO không phải là trang thiết bị y tế. Bị cáo cũng luôn lăn tăn rằng HF và HCL có phải là chất cấm không, bởi trong quá trình 13 năm kinh nghiệm thì chưa có văn bản nào cấm sử dụng. Dù vậy, Quốc nhận lỗi về việc không ngăn cản các bác sĩ, điều dưỡng viên của đơn nguyên thận nhân tạo khi đưa hệ thống lọc máu vào hoạt động mà chưa có kết quả xét nghiệm nguồn nước. “Bị cáo chưa bao giờ cẩu thả cho việc vệ sinh, sục rửa, tẩy cặn màng RO. Khi làm bị cáo dựa vào chỉ số của đồng hồ đo độ dẫn điện. Vụ việc xảy ra trong ngày 29-5, bị cáo không phải đổ tội cho ai nhưng có thể do đồng hồ dẫn điện sai số, mong HĐXX xem xét và đánh giá khách quan nhất” - Quốc nói. |