Những ngày qua, vụ một cảnh sát cơ động (CSCĐ) ở Bắc Giang bị ô tô 16 chỗ hất lên capô rồi sau đó tông tử vong đã gây bất bình trong dư luận. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình huống này. Trước đó, vụ việc tương tự cũng từng xảy ra tại Hà Tĩnh và cơ quan tố tụng đã xét xử đối tượng chống đối về tội giết người, thay vì tội chống người thi hành công vụ. Bản án này sau đó đã được TAND Tối cao tuyển chọn thành án lệ và công bố để các cơ quan tố tụng có thể soi chiếu khi xử lý hành vi tương tự.
Giống về bản chất, chỉ khác hậu quả
Ở vụ Bắc Giang, theo điều tra ban đầu, vào ngày 14-9, do nghi ngờ ô tô 16 chỗ có dấu hiệu vận chuyển hàng lậu, tổ công tác liên ngành tỉnh Bắc Giang yêu cầu dừng xe để kiểm tra.
Không những không chấp hành, Trần Văn Dũng (sinh năm 1989, tài xế, ngụ Hà Nội) và Dương Đức Tuyển (sinh năm 1998, chủ xe, ngụ Bắc Giang) tiếp tục cho xe bỏ chạy, hất chiến sĩ CSCĐ NVM (sinh năm 1997) lên nắp capô. Chạy được một đoạn thì anh M. té xuống đường, bị bánh ô tô 16 chỗ chèn qua làm anh tử vong.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam tài xế cùng chủ xe về tội giết người, theo Điều 123 BLHS 2015.
Còn ở vụ xảy ra tại Hà Tĩnh thì theo Án lệ số 18/2018/AL, ngày 30-6-2017, bị cáo PTH (sinh năm 1995) điều khiển ô tô đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc (đi cùng chủ xe là TCT). Khi xe đang lưu thông trên đường tránh TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), cảnh sát giao thông (CSGT) ra hiệu lệnh dừng xe để xử lý vi phạm nhưng tài xế không chấp hành mà điều khiển xe đâm thẳng vào CSGT.
Khi CSGT bám vào gọng kính chiếu hậu của xe, H. tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao, bất ngờ đánh lái sát dải phân cách nhằm hất CSGT xuống đường. Hành vi này đã làm cho CSGT rơi khỏi xe, va vào dải phân cách cứng giữa đường khiến nạn nhân bị đa chấn thương (chấn thương sọ não, gãy chân, tổn hại sức khỏe 40%).
Bị can Dương Đức Tuyển lúc bị bắt. Ảnh cắt từ clip/ZING NEWS
Hai cấp tòa đều xử tội giết người
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2017, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định: Tuyên phạt H. tám năm tù về tội giết người với tình tiết định khung là giết người đang thi hành công vụ (theo điểm d khoản 1 Điều 93 BLHS 1999) và hai năm tù về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức (H. sử dụng bằng lái giả). Tổng hợp hình phạt chung mà H. phải chịu là 10 năm tù.
Cũng theo án sơ thẩm, chủ xe TCT có hành vi làm một giấy phép lái xe hạng FC giả (mang tên LVC có gắn ảnh của PTH) với giá 2,5 triệu đồng, rồi giao cho H. sử dụng để đối phó với các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Vì vậy, tòa sơ thẩm đã phạt T. hai năm tù về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Sau đó, H. có đơn kháng cáo xin được giảm hình phạt, T. kháng cáo xin giảm hình phạt và đề nghị được hưởng án treo.
Ngày 28-5-2018, TAND Cấp cao tại TP Hà Nội xử phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của H., sửa bản án sơ thẩm và tuyên H. bảy năm tù về tội giết người, hai năm tù về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp hình phạt chung mà H. phải chịu là chín năm tù.
Cấp phúc thẩm cũng đã xử phạt bị cáo TCT hai năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Án phúc thẩm được chọn làm án lệ
Bản án phúc thẩm (số 331/2018) của TAND Cấp cao tại Hà Nội sau đó đã được chọn làm án lệ (Án lệ số 18/2018/AL), được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 17-10-2018 (có hiệu lực từ ngày 3-12-2018).
Như vậy, đối với những vụ án có tính chất hành vi tương tự, cơ quan tố tụng sẽ xử lý bị can, bị cáo tội giết người và tòa án sẽ áp dụng điểm d khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 (tương ứng với điểm d khoản 1 Điều 123 BLHS 2015) với khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình.
Đối chiếu với vụ án vừa xảy ra tại Bắc Giang nói trên, với hậu quả chết người, có thể thấy sắp tới đây TAND tỉnh này sẽ xử nghiêm các bị cáo về tội giết người theo đúng tinh thần Án lệ số 18/2018/AL đã nêu.
Khái quát nội dung Án lệ số 18/2018/AL - Tình huống án lệ: Bị cáo bị CSGT yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm nhưng không chấp hành mà điều khiển xe đâm thẳng vào CSGT. Khi CSGT bám vào gọng gương chiếu hậu của xe, bị cáo tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao, bất ngờ đánh lái sát dải phân cách nhằm hất CSGT xuống đường. CSGT rơi khỏi xe, va vào dải phân cách cứng giữa đường, bị đa chấn thương. - Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người với tình tiết định khung là giết người đang thi hành công vụ. - Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Điểm d khoản 1 Điều 93 BLHS năm 1999 (tương ứng với điểm d khoản 1 Điều 123 BLHS 2015). |