Mới đây, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM phối hợp với các đơn vị chức năng đồng loạt kiểm tra tại 11 tiệm sửa xe nghi “độ xe”, lò “độ xe” và cơ sở gia công, kinh doanh phụ tùng, linh kiện phục vụ “độ xe” trên địa bàn TP.HCM.
Qua kiểm tra, tổ công tác ghi nhận các cơ sở này có dấu hiệu kinh doanh thêm dịch vụ độ, chế xe như ‘xổ trái’, ‘đôn dên’ nhằm mục đích tăng phân khối cho xe.
Đây là hành vi khá phổ biến hiện nay. Liên quan đến sự việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc hành vi độ xe và chủ các tiệm độ xe sẽ bị xử lý như thế nào.
Trao đổi với PLO về vấn đề này, Luật sư Đặng Đức Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 55 Luật giao thông đường bộ năm 2008, chủ phương tiện giao thông không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Vì vậy, khi chủ phương tiện tự ý độ xe làm thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe là trái với quy định pháp luật. Do đó, hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự: Phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 triệu 600 nghìn đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
-Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông;
-Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.
Cũng theo LS Trí, hiện nay vẫn chưa có quy định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức thực hiện độ xe; cá nhân trực tiếp điều khiển phương tiện xe độ mà không phải là chủ xe. Đây là những đối tượng cần có chế tài xử lý đối với hành vi độ, chế xe.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2017 thì hoạt động kinh doanh mở tiệm sửa chữa xe của các cá nhân (không phải là thương nhân) thì không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh.
Các chủ "lò độ xe" thường chỉ phải ký vào một bản cam kết không thực hiện hành vi này khi bị các đơn vị chức năng kiểm tra, phát hiện.