Chiều 30-11, sau 18 ngày xét xử và nghị án kéo dài, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ liên quan đến hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
Án tuyên cao hơn đề nghị của VKS
Theo đó, HĐXX tuyên phạt Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) chín năm tù, Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50) 10 năm tù, cùng về tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ngoài ra, cả hai bị cáo đều bị phạt bổ sung mỗi người 100 triệu đồng. Như vậy, án phạt của HĐXX đối với hai cựu tướng công an đều cao hơn so với đề nghị của VKS cùng cấp.
HĐXX cũng tuyên bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch HĐQT Công ty CNC) năm năm tù về tội tổ chức đánh bạc, năm năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 10 năm tù. HĐXX còn buộc Dương nộp lại hơn 1.300 tỉ đồng tiền thu lời bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc, tịch thu hơn 329 tỉ đồng từ hành vi rửa tiền để sung vào ngân sách nhà nước.
Phan Sào Nam (cựu tổng giám đốc Công ty VTC Online) lãnh án hai năm tù về tội tổ chức đánh bạc, ba năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt là năm năm tù. HĐXX buộc Nam nộp lại hơn 900 tỉ đồng thu lời bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc, tịch thu hơn 540 tỉ đồng từ hành vi rửa tiền để sung vào ngân sách nhà nước.
Hai cựu tướng công an tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN
Hành vi của hai tướng công an đáng lên án
Theo HĐXX, khi đảm nhiệm chức vụ tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, bị cáo Phan Văn Vĩnh đã ký quyết định thành lập CNC trái quy định của Bộ Công an. Ngoài ra, việc cho Công ty CNC thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám cũng thuộc về trách nhiệm của bị cáo này, từ đó tạo điều kiện gián tiếp ngăn cản cơ quan cấp dưới xác minh dấu hiệu vi phạm.
Bị cáo Vĩnh còn ký văn bản gửi Bộ TT&TT tạo điều kiện cho Công ty CNC; khi biết có dấu hiệu vi phạm pháp luật và bị cơ quan điều tra vào cuộc, để che giấu hành vi phạm tội, bị cáo đã bút phê vào văn bản không dấu do ông Hóa trình. Hành vi này thể hiện sự bao che đến cùng. Đặc biệt, khi lãnh đạo Bộ có yêu cầu báo cáo nhưng ông Vĩnh không chấp hành, phải đến lần thứ hai thì mới báo cáo nhưng không đúng sự thực, không chỉ đạo đấu tranh làm rõ.
Theo HĐXX, đáng lẽ bị cáo Vĩnh phải kiên quyết chỉ đạo đấu tranh nhưng lại không thực hiện mà tạo điều kiện cho game bài trái phép phát triển, do đó hành vi của bị cáo đáng lên án hơn so với các bị cáo khác, gây bất bình trong quần chúng nhân dân, giảm uy tín của ngành công an.
Tương tự, bị cáo Hóa đã tham mưu cho cấp trên ký quyết định thành lập CNC, đề xuất cho thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám để tạo rào cản với cơ quan cấp dưới khi xác minh… Đặc biệt, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản không số để trình bị cáo Vĩnh nhằm hợp thức hóa việc C50 không góp vốn với CNC. Bị cáo còn quanh co chối tội, đổ lỗi cho người khác, chưa thành khẩn khai báo… HĐXX khẳng định việc tồn tại hay không của game bài hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của hai bị cáo Vĩnh và Hóa. Hai cựu tướng công an đã có sự câu kết chặt chẽ, trong đó ông Vĩnh là người chỉ huy, ông Hóa là người thực hiện tích cực.
Miễn tội đưa hối lộ đối với Nguyễn Văn Dương
Đối với Nguyễn Văn Dương, bị cáo đã lợi dụng danh nghĩa công ty nghiệp vụ của C50 để tiếp nhận đề nghị của Phan Sào Nam về việc vận hành game bài trái phép trên mạng Internet. Có đủ cơ sở khẳng định Dương hưởng lợi số tiền hơn 1.600 tỉ đồng; để hợp thức hóa nguồn tiền này, Dương đã thực hiện hành vi rửa tiền thông qua Công ty CP Đầu tư UDIC.
Quá trình điều tra, Dương tự thú cho C50 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD, đã được chứng minh. Số tiền còn lại Dương khai sẽ tiếp tục làm rõ trong giai đoạn tiếp theo. Việc miễn trách nhiệm hình sự đối với Dương về tội đưa hối lộ là phù hợp.
Còn với Phan Sào Nam, bị cáo là người có trình độ cao và am hiểu về công nghệ nhưng vì mục đích tư lợi cá nhân đã hợp tác cùng Nguyễn Văn Dương vận hành game bài trực tuyến. Sau khi có nguồn tiền thu lợi bất chính, Nam thực hiện hành vi rửa tiền.
Quá trình điều tra, Nam thừa nhận hành vi phạm tội, cùng người thân nộp lại gần như toàn bộ số tiền thu lời bất chính.
Tòa kiến nghị hàng loạt vấn đề HĐXX buộc MobiFone nộp ngân sách hơn 15 tỉ đồng, Viettel hơn 106 tỉ đồng từ việc thu lời không có căn cứ pháp lý từ việc phát hành thẻ cào và hợp tác đại lý kinh doanh thẻ Gocoin và Vcard. Ngoài ra, HĐXX kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra trong giai đoạn 2 của vụ án để làm rõ trách nhiệm của các ngân hàng, nhân viên ngân hàng...; làm rõ cac đơn vị như Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản Thu Đông… liên quan đến hành vi rửa tiền của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam. Tiếp tục điều tra làm rõ sai phạm trong việc cho thuê chỗ đặt máy chủ để vận hành game bài Rikvip/Tip.Club của Công ty Viettel CHT, Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT. Làm rõ tỉ lệ phân phối lợi nhuận kinh doanh của Công ty CNC được hưởng 80% và Cục C50 hưởng 20% theo bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh giữa Dương và Nguyễn Thanh Hóa ngày 10-10-2011. Làm rõ lời khai của Phan Sào Nam và Dương về việc đưa tiền, của cải vật chất cho các cán bộ từng công tác tại Tổng cục Cảnh sát, Cục C50, Phòng PC50 Hà Nội... |