Ngày 26-12, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xét xử 13 bị cáo là các cựu lãnh đạo tỉnh trong vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại trụ sở Trường Chính trị cũ, số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang.
Ban quản lý dự án không được giao chỉ định nhà đầu tư
Trong ngày xét xử thứ ba, HĐXX xét hỏi đối với bị cáo Trần Văn Thọ, cựu phó giám đốc Sở Xây dựng, cựu giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Khánh Hòa. Cựu phó giám đốc Sở Xây dựng bị cáo buộc sai phạm trong việc tham mưu chỉ định nhà đầu tư (NĐT) mà không tổ chức đấu thầu để lựa chọn NĐT thực hiện dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa và hoàn vốn khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang.
Cựu phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa Trần Văn Thọ tại tòa. Ảnh: HUỲNH HẢI |
Cụ thể, bị cáo này đã ký Tờ trình 1106 gửi Sở KH&ĐT về việc thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn NĐT theo hình thức chỉ định đối với hợp đồng BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 1). Tiếp đó, bị cáo còn ký các quyết định phê duyệt hồ sơ yêu cầu chỉ định NĐT; Quyết định 726 về phê duyệt chọn NĐT là Công ty CP Thanh Yến và điều kiện, phương thức thanh toán là từ quỹ đất tại số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang.
Khi được hỏi về căn cứ ký Tờ trình 1106 tham mưu chỉ định NĐT, bị cáo Thọ khai UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản chỉ định, thống nhất chủ trương NĐT là Công ty CP Thanh Yến. Vì vậy, bị cáo căn cứ vào các văn bản trên để ký các tờ trình mang tính chất báo cáo, thẩm định năng lực của NĐT.
Bị cáo Thọ nói với chức trách là giám đốc BQL dự án được UBND tỉnh giao lựa chọn NĐT có năng lực và điều kiện để thực hiện dự án, không phải là lựa chọn NĐT cho dự án.
“Định nghĩa lựa chọn NĐT ở đây là chỉ có lựa chọn NĐT đủ năng lực hay không qua hồ sơ đề xuất của NĐT. Không phải là mang tính chất tham mưu chỉ định thầu” - bị cáo Thọ khai.
Cựu giám đốc BQL dự án cho biết UBND tỉnh giao làm đầu mối những việc được giao, không có chức năng tham mưu. Trong tất cả văn bản bị cáo ký chỉ gửi qua các cơ quan chuyên môn để các cơ quan này tham mưu, không gửi trực tiếp cho UBND tỉnh.
Bị cáo này cho biết sau khi Công ty CP Thanh Yến đã lựa chọn NĐT, BQL lập tổ chức đấu thầu xem xét đưa ra công nhận đủ năng lực và các tiêu chí kèm theo. Sau đó, bị cáo ký Quyết định 726 lựa chọn NĐT này.
Cựu giám đốc BQL cũng nói không tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn quỹ đất số 1 Trường Chính trị cũ để hoàn vốn. Bị cáo cho rằng việc này nằm trong chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.
“Bị cáo có sai sót về thủ tục hành chính. Tờ trình 1106 là báo cáo chứ không phải tờ trình, bị cáo không thuộc Sở KH&ĐT quản lý nên không phải trình” - cựu phó giám đốc Sở Xây dựng nói.
Lần nữa, bị cáo Thọ khẳng định được UBND tỉnh giao làm đầu mối lấy ý kiến các sở, ngành trong từng giai đoạn. BQL đã làm việc đúng quy trình, chỉ tổng hợp và trình Sở KH&ĐT.
“Bị cáo có sai sót về thủ tục hành chính. Tờ trình 1106 là báo cáo chứ không phải tờ trình, bị cáo không thuộc Sở KH&ĐT quản lý nên không phải trình. Nếu được làm lại, bị cáo sẽ ký lại đó là báo cáo” - bị cáo Thọ nói.
Người mua phải tháo dỡ tài sản nên giảm giá 55%
Trả lời câu hỏi về căn cứ để đề xuất giảm giá trụ sở Trường Chính trị từ 21 tỉ đồng xuống 9,4 tỉ đồng, bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm, cựu phó giám đốc Sở Tài chính, khai hội đồng thẩm định giá định giá lần đầu tài sản trên đất trụ sở nhà nước trên là 21 tỉ đồng.
Tuy nhiên, BQL dự án hợp đồng với đơn vị bán đấu giá hai lần nhưng không có người mua. Vì vậy, hội đồng thẩm định giá đã định giá lại để tiếp tục đấu giá.
Bị cáo Tâm cho biết hai lần định giá cách nhau hai tháng, giá không thay đổi. Bị cáo cho rằng như vậy sẽ không đấu giá lại được nên xem xét giảm giá theo Thông tư 137/2010 của Bộ Tài chính. Thông tư này cho phép giảm giá nhưng không khống chế mức giảm cụ thể.
“Căn cứ vào tình hình thực tế thì người mua phải tháo dỡ tài sản nên hội đồng thẩm định giá đã thống nhất giảm giá 55% căn cứ vào thực tế để tham mưu cho tỉnh” - bị cáo Tâm nói.
Cựu phó giám đốc Sở Tài chính nói mức giá 9,4 tỉ đồng vẫn còn cao so với vật tư thực tế nên đấu giá lần thứ hai cũng không ai mua. Đến lần thứ ba mới bán chỉ định cho Công ty CP Thanh Yến.
Khi được hỏi về những thành viên của hội đồng thẩm định giá, bị cáo Tâm nói mình không nhớ những ai, do qua nhiều cuộc họp có thay đổi.
Tuy nhiên, HĐXX cho biết kết quả điều tra thể hiện bị cáo đã tổ chức cuộc họp với những người không đủ tư cách tham gia hội đồng thẩm định giá.
Không phát hiện chứng thư giả của đơn vị tư vấn
Tại tòa, HĐXX cho biết cựu phó giám đốc Sở Tài chính cùng với năm bị cáo khác cũng sai phạm trong việc xác định giá đất số 1 Trần Hưng Đạo. Các đơn vị tư vấn đã đưa ra các chứng thư giả tạo nhưng các bị cáo đã không thẩm định.
Theo cơ quan định giá, việc này gây thiệt hại 62,6 tỉ đồng tại thời điểm năm 2016 và 324,5 tỉ đồng tại năm 2020.