Chiều 4-11, liên quan đến vụ giáo trình có in hình “đường lưỡi bò”, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ, cho biết Cơ quan An ninh Công an TP Hà Nội đã đến làm việc với nhà trường. Phía công an đã thu hồi một số cuốn giáo trình để phục vụ quá trình xác minh, làm rõ.
Theo dự kiến, ngày mai (5-11), nhà trường sẽ có phương án chính thức tiêu hủy toàn bộ số giáo trình có in hình “đường lưỡi bò”. Việc xem xét trách nhiệm các cá nhân liên quan cũng sẽ được cân nhắc.
Cuốn giáo trình có in bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp. Ảnh: TIỀN PHONG
Ông Hóa cũng cho biết cuốn sách "Developing Chinese" do ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh phát hành. Khoa tiếng Trung-Nhật của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đưa vào giảng dạy từ đầu năm học 2019-2020 nhưng vẫn không phát hiện ra cho đến khi có khi sinh viên phản ánh.
Cũng theo vị phó hiệu trưởng, hội đồng thẩm định của Khoa tiếng Trung-Nhật sau khi rà soát đã không đưa lên Hội đồng thẩm định của trường, có thể do không phát hiện ra “đường lưỡi bò” nên dẫn tới việc đưa cuốn giáo trình vào giảng dạy.
Trước đó, trao đổi với PV, ông Bùi Văn Thanh, Chủ nhiệm Khoa tiếng Trung-Nhật, cho biết khoa này từng rà soát nội dung của cuốn giáo trình trên trước khi đưa vào giảng dạy. Kết quả cho thấy không có nội dung nào đề cập về tranh chấp biển đảo, trong phần bản đồ chỉ có “một tí dính vào” ("đường lưỡi bò" - PV) nên không phát hiện được.
Sau khi ĐH Kinh doanh và Công nghệ có chủ trương rà soát toàn bộ giáo trình để trình Ban giám hiệu ký, Khoa tiếng Trung-Nhật mới phát hiện cuốn giáo trình trên có in hình “đường lưỡi bò”.
“Khi rà soát và nhìn thấy chấm chấm, nhiều người lúc đầu cũng không hiểu đó là đường lưỡi bò” - ông Thanh nói.
PV ngạc nhiên trước câu trả lời này và đặt vấn đề tại sao với trình độ của một đội ngũ giảng viên đại học mà lại không biết đó là “đường lưỡi bò”, trong khi báo chí, mạng xã hội đã đăng tải rất nhiều?
Ông Thanh cho rằng do hình ảnh trong bài không phải bản đồ của cả Thái Bình Dương mà chỉ có bản đồ nhỏ của Trung Quốc rồi chấm chấm ở dưới nên nhiều người không biết đó là “đường lưỡi bò” (!).
PV tiếp tục đặt câu hỏi khoa có tổng cộng bao nhiêu cuốn giáo trình in hình “đường lưỡi bò”? Ông Thanh không trả lời trực tiếp mà cho biết có cuốn phát cho học sinh rồi nhưng cũng có lớp chưa học nên chưa phát.
Vị này thừa nhận đây là bài học sâu sắc đối với kKhoa tiếng Trung-Nhật. Sau khi sự việc xảy ra, khoa đã họp rất nhiều lần, quán triệt đến từng giáo viên và rút kinh nghiệm trong hội đồng khoa học.
Về biện pháp xử lý đối với số giáo trình có in hình “đường lưỡi bò”, ông Thanh cho hay sẽ thu hồi toàn bộ và thay bằng một giáo trình mới. Giáo trình mới được xây dựng trên cơ sở biên tập lại các bài học chọn lọc từ chính cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese".
PV bày tỏ sự e ngại về việc tiếp tục sử dụng cuốn giáo trình đã cố tình lồng ghép “đường lưỡi bò” phi pháp để biên tập thành một giáo trình mới liệu có đảm bảo? Ông Thanh nói sách giáo khoa chỉ là vấn đề học thuật, ngữ pháp, do đó khoa cũng đơn thuần nghiên cứu dưới góc độ học thuật chứ không có yếu tố chính trị gì (!?).