Vụ Khaisilk lừa dối: Cơ quan quản lý không vô can

Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk Hoàng Khải đã thừa nhận doanh nghiệp (DN) của ông đã bán sản phẩm lụa Trung Quốc (TQ) nhưng gắn mác Việt.

Lời thừa nhận này của ông Khải đã khiến nhiều người bày tỏ phẫn nộ vì họ bị lợi dụng niềm tin vào thương hiệu Việt suốt mấy chục năm qua.

Tuy nhiên, từ góc độ khác, nhiều ý kiến đặt vấn đề: Trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu? Vì sao cơ quan chức năng không phát hiện?... Bên hành lang Quốc hội ngày 27-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (ảnh) đã trao đổi với báo chí xung quanh những vấn đề này.

Có dấu hiệu vi phạm cả pháp luật lẫn đạo đức

. Phóng viên:Là người đứng đầu ngành công thương, Bộ trưởng có quan điểm thế nào về vụ Tập đoàn Khaisilk bán hàng có xuất xứ TQ nhưng gắn mác thương hiệu Khaisilk - tức là hàng Việt Nam - gây bức xúc dư luận những ngày qua?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

+ Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Những hoạt động của DN ngoài yêu cầu của luật pháp thì phải dựa trên nền tảng đạo đức, văn hóa, nhất là văn hóa DN. Qua hành vi của Khaisilk mà báo chí đã phản ánh cho thấy DN này có dấu hiệu vi phạm cả luật pháp cũng như nền tảng đạo đức DN.

Cần lưu ý ngoài những chế tài pháp luật thì ý thức về giá trị đạo đức, văn hóa của DN cũng rất quan trọng. Các DN phải nhận thức, hiểu rõ điều đó mang tính sống còn với hoạt động của họ.

. Theo Bộ trưởng, vụ việc Khaisilk lừa dối và phản bội niềm tin của người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng thế nào với thương hiệu của quốc gia?

+ Thông qua sự việc của Khaisilk chúng ta chưa kết luận cụ thể mức độ vi phạm, tính chất vi phạm đến đâu nên chưa thể nói ngay là sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá trị thương hiệu của sản phẩm cũng như thương hiệu Việt.

Tuy nhiên, sơ bộ nhận thấy DN này có hành vi lừa dối người tiêu dùng. Sử dụng hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu sản phẩm thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và cũng là làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng. Nó cũng gây tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt.

Cửa hàng Khaisilk ở địa chỉ 101 Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) dán thông báo “Chúng tôi xin đóng cửa để kiểm tra và điều chỉnh hàng hóa”. (Ảnh chụp chiều 27-10) Ảnh: HOÀNG GIANG

Quan trọng hơn, nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam chúng ta.

. Vậy Bộ Công Thương đã có động thái gì để xử lý vụ việc gây rúng động này, thưa ông? Liệu Bộ có chuyển vụ việc này sang cơ quan điều tra không?

+ Bộ đã yêu cầu các cơ quan như Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng… tiến hành xác minh, làm rõ các hoạt động vi phạm của DN. Chắc chắn cơ quan chức năng sẽ có báo cáo sớm và kiến nghị xử lý theo đúng quy định.

Chúng tôi đang tiếp tục làm rõ về nguồn gốc hàng hóa này xem có hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng… hay không. Trên cơ sở đó đánh giá vi phạm đến đâu, ảnh hưởng như thế nào, tính chất của hành vi… từ đó có cách xử lý phù hợp.

Tổng cục Thuế kiểm tra Khaisilk

Chia sẻ với báo chí tại buổi họp báo chiều 27-10, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết Tổng cục đã chỉ đạo Cục Thuế TP Hà Nội triển khai việc kiểm tra, giám sát ngay việc chấp hành pháp luật thuế đối với trường hợp thương hiệu Khaisilk.

“Trong phạm vi trách nhiệm của cơ quan thuế, trước vụ việc báo chí đã nêu và với thực tế việc bán hàng của Khaisilk, cơ quan thuế sẽ phải kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, đặc biệt là việc kê khai, bán hàng của Khaisilk” - ông Trí nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, các thông tin kết quả cụ thể liên quan đến vấn đề kê khai, bán hàng của Khaisilk sẽ được thông báo, công bố tới cơ quan báo chí trong tuần tới.

Sẽ xem xét trách nhiệm

. Thưa Bộ trưởng, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk Hoàng Khải đã thừa nhận DN của ông đã bán sản phẩm lụa TQ nhưng gắn mác Việt đã rất lâu. Vậy vai trò của cơ quan quản lý ở đâu khi để tình trạng này diễn ra nhiều năm mà không phát hiện?

+ Đúng! Đây là thực trạng và chúng tôi không che giấu. Đây cũng là vấn đề đối với hệ thống của chúng ta chứ không chỉ một cơ quan quản lý nhà nước nào cả. Tất nhiên, cơ quan quản lý nhà nước như quản lý thị trường cũng có trách nhiệm của mình.

Đi vào cụ thể, thông qua vụ việc Khaisilk, sau khi làm rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân của nó thì chúng tôi sẽ xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Công Thương trong hiểu biết, nhận thức và cách thức thực thi pháp luật, vai trò trong tham mưu chính sách của các cơ quan đó.

. Qua vụ việc này, Bộ có giải pháp gì để quản lý, kiểm soát tốt đối với hoạt động sản xuất, buôn bán hàng hóa tương tự, như việc sản xuất lụa tại làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông) chẳng hạn?

+ Chúng tôi đang tập trung làm rõ vụ việc Khaisilk và từ vụ này sẽ tiếp tục làm rõ ở phạm vi rộng lớn hơn, không chỉ ở một làng nghề, địa phương mà còn liên quan đến các lĩnh vực kinh tế ngành; khuôn khổ cơ chế, chính sách, pháp luật và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Ông VŨ VINH PHÚchuyên gia kinh tế,  nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội:

Đừng đổ lỗi cho lực lượng mỏng

Đến khi ông chủ thương hiệu Khaisilk thừa nhận với báo chí rằng DN của mình bán lụa TQ suốt 30 năm qua thì người tiêu dùng mới ngỡ ngàng và tự hỏi cơ quan quản lý thị trường làm gì, ở đâu suốt 30 năm qua.

Nếu như người mua hàng không tình cờ phát hiện một chiếc khăn “Made in China” lẫn trong mớ khăn “Made in Viet Nam” có lẽ đến bây giờ người ta vẫn tin yêu thương hiệu lụa này.

Sự việc bị vỡ ra, uy tín của DN bị ảnh hưởng, lòng tin của người tiêu dùng với thương hiệu nổi tiếng này sẽ giảm đi. Câu chuyện của Khaisilk đã buộc các DN phải tự nhìn lại mình trong việc xây dựng, giữ gìn thương hiệu cũng như đạo đức kinh doanh. DN làm ăn gian dối, bán hàng kém chất lượng đến một lúc nào đó cũng bị bóc trần.

Nhưng sâu xa hơn, qua câu chuyện Khaisilk, dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ra sao suốt chừng ấy năm. Rõ ràng vụ Khaisilk lừa dối khách hàng cho ta thấy những lỗ hổng được tạo ra trong cách thức quản lý thị trường, cho dù bất luận nguyên nhân xuất phát từ đâu.

Vụ Khaisilk lừa dối: Cơ quan quản lý không vô can ảnh 3
Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk Hoàng Khải  từng tuyên bố: "Tôi kinh doanh với một tấm lòng trung thực"Vụ Khaisilk lừa dối: Cơ quan quản lý không vô can ảnh 4

Khách hàng còn phát hiện khăn của Khaisilk có vết cắt tag và nghi ngờ đây chính là mác “Made in China”. Ảnh: Facebook Dangnhuquynh

Đáng buồn hơn, chuyện kinh doanh gian dối của Khaisilk được phát hiện không phải từ chính cơ quan quản lý thị trường mà chính người tiêu dùng - đối tượng lẽ ra phải được cơ quan quản lý bảo vệ.

Không thể biện minh rằng do lực lượng quản lý thị trường mỏng, yếu và thiếu mà không biết cửa hàng tơ lụa nổi tiếng nằm ngay trên phố Hàng Gai - con phố giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, nằm cách trụ sở Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương chưa đến một cây số.

TS NGÔ TRÍ LONG,chuyên gia kinh tế:

Phải làm rõ có bao che hay không

Mức độ vi phạm, kết quả xử lý ra sao sẽ được cơ quan chức năng làm sáng tỏ trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước mắt hành vi dễ nhận ra qua vụ Khaisilk là gian lận thương mại.

Vụ việc này đã làm hại uy tín hàng tơ tằm Việt Nam, ảnh hưởng đến nét đẹp của Việt Nam trong con mắt khách du lịch, làm tổn hại lòng tin của người tiêu dùng.

Nhưng bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường, thanh tra thuế… Liệu có hay không tình trạng buông lỏng, thông đồng, bao che, bảo kê DN.

Luật sư TRẦN XOA,Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang:

Truy từ gốc mới ra vấn đề

Ông chủ Khaisilk đã thừa nhận việc gian lận xuất xứ, vì vậy bây giờ chúng ta phải chờ kết quả điều tra từ cơ quan chức năng. Thế nhưng với khoảng thời gian dài 20-30 năm gian lận xuất xứ hàng TQ gắn mác hàng Việt cũng cần nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Cụ thể cần truy lại từ gốc như các đơn vị nhập khẩu về, nguồn gốc hàng hóa, cách thức triển khai hoạt động kinh doanh cho đến khi đem bán ra thị trường. Từ đó sẽ có căn cứ để truy trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị.

Bên cạnh đó, các DN chân chính cũng cần đẩy mạnh việc phối hợp với các lực lượng chức năng trong quá trình điều tra hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả mạo nhãn hiệu Việt. Qua đó để vạch mặt những sản phẩm TQ giả mạo tinh vi các sản phẩm hàng Việt Nam có thương hiệu.

TRÀ PHƯƠNG - QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm